Đợt hạn hán mùa đông diễn ra trong bối cảnh châu Âu đã liên tục hứng chịu tình trạng khô hạn kể từ năm 2018, khiến mực nước ngầm xuống thấp, theo nghiên cứu của Đại học công nghệ Graz.
Tác động những đợt khô hạn liên tiếp khiến giới khoa học cảnh báo tình hình của châu Âu trong mùa hè năm nay có thể nghiêm trọng hơn năm ngoái, thời điểm châu lục này trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 500 năm.
Bản đồ do Đài quan sát Hạn hán châu Âu công bố cho thấy đất đai ở phần lớn nước Pháp và Anh đang thiếu độ ẩm. Nhiều vùng đất ở Ireland được thể hiện bằng sắc đỏ, thể hiện mối đe dọa với tăng trưởng của cây trồng.
"Với đợt hạn hán mùa đông hiện nay, nếu không có đủ mưa trong những tuần tới, châu Âu có nguy cơ cao mất mùa, đồng thời sản xuất năng lượng, vận tải đường sông và hệ sinh thái cũng bị tác động", Andrea Toreti, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban châu Âu, nói.
Chính phủ các nước châu Âu đang áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước. Italy cảnh báo có thể sẽ áp dụng phân phối nước theo hạn mức, trong lúc tìm cách bảo vệ ngành sản xuất lương thực.
Theo nhóm môi trường Legambiente, lượng tuyết rơi xuống dãy Alps mùa đông năm nay chỉ bằng một nửa bình thường, trong khi sông Po, con sông dài nhất Italy, có lượng nước thấp hơn 60% so với bình thường vào thời điểm này trong năm.
Mực nước hồ Grada đang ở mức thấp nhất trong 30 năm, khiến du khách có thể đi bộ tới đảo San Bagio giữa hồ. Sông ngòi khô cạn khiến lợn rừng khát nước chạy vào thành phố tìm thức ăn, nước uống. Theo hiệp hội nông dân Coldiretti, lợn rừng nhiều tới nỗi người dân vừa bước khỏi cổng siêu thị đã bị chúng rình chờ cướp đồ và cứ hai ngày một lần lại xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên quan tới lợn rừng.
Massimiliano Pasqui, chuyên gia khí hậu của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, một viện nghiên cứu khoa học của Italy, cho biết nước này cần ít nhất 50 ngày mưa liên tục để bù đắp lượng nước thiếu hụt do hạn hán.
"Chúng tôi đang ở trong tình trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng kể từ mùa đông 2020-2021", ông nói.
Ở Tây Ban Nha, nơi mực nước trong các hồ chứa chỉ bằng 50% sức chứa trung bình, nông dân đang chật vật duy trì sản xuất do nguồn nước dành cho tưới tiêu bị hạn chế. Chính quyền vùng Catalonia đã cắt giảm 40% lượng nước dành cho nông nghiệp.
"Đây có thể là điều bình thường mới và chúng tôi phải học cách sống chung với tình trạng hạn hán như thế này", Teresa Jordà, người đứng đầu cơ quan Hành động Khí hậu, lương thực và nông thôn của vùng Catalonia, nói.
Ở đông nam Tây Ban Nha, một trong những khu vực sản xuất rau củ quả lớn nhất châu Âu, thiếu mưa khiến sản lượng cà chua, dưa chuột, cà tím và ớt giảm hơn 20% mùa đông năm nay. Thiếu rau củ cũng ảnh hưởng tới hệ thống phân phối hàng hóa siêu thị tại Anh. Một số siêu thị hạn chế lượng rau salad mà khách hàng được mua.
Tại Pháp, nơi đang trải qua mùa đông khô hạn nhất từ năm 1959, 5 bộ ngành đã hạn chế nước cho hai lĩnh vực nông nghiệp và sinh hoạt. Người dân bị cấm tưới vườn, rửa xe, bơm nước cho bể bơi sau 32 ngày trời liên tục không mưa.
Tình hình có thể nghiêm trọng hơn, đặc biệt với ngành thủy điện và điện hạt nhân vốn dựa vào sông ngòi để làm mát, khiến năng suất điện có thể bị ảnh hưởng vào những tháng tới và đe dọa an ninh năng lượng ở Anh, nơi nhập khẩu điện từ Pháp.
Theo Sonia Seneviratne, giáo sư Viện Khoa học khí quyển và khí hậu Đại học ETH Zurich, thiếu mưa trong mùa đông chưa chắc là hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, bà cảnh báo tình trạng thiếu mưa bất thường vào mùa đông sẽ khiến mùa hè càng khô hạn hơn.
Năm ngoái, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cảnh báo châu Âu đã thất bại trong việc lên kịch bản dự đoán tác động của biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người tích cực kêu gọi thay đổi thái độ trong sử dụng nước.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch đối mặt với hạn hán. Chúng ta phải sử dụng nước tốt hơn, bớt lãng phí đi", ông Macron nói. "Thời kỳ dùng nước thoải mái đã kết thúc".
Nguồn: vnexpress.net