Tại các nước tư bản phương Tây hiện nay, sự chống phá chủ nghĩa xã hội được thể hiện qua những nét cơ bản sau:
Chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu chống phá mà còn là cái cớ nhằm biện minh cho cuộc cạnh tranh lợi ích giữa một số quốc gia
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hệ thống tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu đã thực hiện mọi hành động để chống phá hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu với mục tiêu xóa bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở mỗi quốc gia. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành mục tiêu trực tiếp trong hoạt động chống phá của các thế lực đối lập.
Ngày nay, không còn sự đối đầu giữa hai hệ thống xã hội và tình hình thế giới đã có những chuyển biến mau lẹ; lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc ngày càng được đề cao; quan hệ giữa các nước ngày càng được mở rộng trong bối cảnh vừa hợp tác, vừa đấu tranh dù có sự giống hay khác nhau về chế độ chính trị. Trong bối cảnh ấy, mục tiêu chống phá chủ nghĩa xã hội cũng có những thay đổi. Theo đó, tùy vào đặc điểm cụ thể của từng nước xã hội chủ nghĩa mà các lực lượng đối lập xác định mục tiêu chống phá khác nhau. Hơn nữa, chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu chống phá mà còn là cái cớ nhằm biện minh cho cuộc cạnh tranh lợi ích giữa các quốc gia.
Điều đó lý giải cho sự thay đổi chính sách của các nước phương Tây mà điển hình là Mỹ với các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Trong khi sự hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam và Lào ngày càng tích cực hơn, thì Mỹ vẫn duy trì các chính sách thù địch với Triều Tiên, Cuba, Venezuela… và thực hiện chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Duy trì các chính sách thù địch và sự cạnh tranh chiến lược với những quốc gia nêu trên không chỉ vì những nước này đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà thực chất là nhằm duy trì những lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh của nước Mỹ, giữ vững vị thế và vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ. Để biện minh cho các chính sách này, nhằm thuyết phục dân chúng trong nước, chính quyền Mỹ luôn gán cho chủ nghĩa xã hội những điều được gọi là “lệch chuẩn” và là những nguy cơ đe dọa lợi ích của chính họ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donand Trump tại diễn đàn Liên Hợp quốc vào ngày 25-9-2018 đã kêu gọi tất cả các nước chống lại chủ nghĩa xã hội. Ảnh: Internet.
Tất nhiên, do có những quan hệ lợi ích khác nhau giữa Mỹ với các nước xã hội chủ nghĩa nên sự chống phá cũng có những biểu hiện khác nhau, trong đó tập trung nhiều vào Triều Tiên, Cuba, Venezuela và Trung Quốc. Đối với Việt Nam, những quan điểm mang tính thân thiện hơn của các học giả và các nhà chính trị Mỹ và một số nước phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, để thuyết phục chính quyền Mỹ thiết lập các chính sách thân thiện với Việt Nam, nhiều học giả và các nhà chính trị còn cho rằng Việt Nam đang phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, rằng “những dấu vết của chủ nghĩa xã hội đang ngày càng giảm dần”. Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc trò chuyện với Ken Burns nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh về chiến tranh Việt Nam năm 2016 đã nhận định về Việt Nam: Họ đang phát triển theo định hướng thị trường như bất kỳ quốc gia nào tôi từng thấy, chủ nghĩa tư bản đang xuất hiện ở nơi đây[1].
Chống phá chủ nghĩa xã hội là thủ đoạn nhằm tranh giành ảnh hưởng của các lực lượng chính trị cánh hữu trong nội bộ một số quốc gia tư bản, đồng thời bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và lợi ích của các ông trùm tư bản.
Chiến tranh lạnh đã kết thúc trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên những dư âm và hệ lụy của nó vẫn tồn tại ở trong cả các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Với chính sách thù địch và bằng những công cụ tuyên truyền rộng khắp, chính quyền của giai cấp tư sản các nước phương Tây đã truyền tải vào đầu óc người dân nước mình những hình ảnh và những tình cảm không tốt đẹp về chủ nghĩa xã hội. Lợi dụng điều này, các lực lượng chính trị cánh hữu đã sử dụng các chiêu bài chống phá chủ nghĩa xã hội nhằm tìm kiếm những lá phiếu ủng hộ của cử tri, đồng thời phê phán các đối thủ chính trị của mình, gán ghép họ với chủ nghĩa xã hội khi họ thực thi các chính sách có xu hướng tiến bộ nhằm bảo vệ lợi ích của đông đảo người lao động.
Tại Mỹ, các thành viên của đảng Cộng hòa thường gán ghép chính sách bảo vệ môi trường, bảo hiểm y tế, các khoản trợ cấp cho người lao động do đảng Dân chủ đề xuất là đi theo chủ nghĩa xã hội. Gọi đó là các chính sách viển vông, là xóa bỏ giá trị của nước Mỹ... Trong vận động tranh cử, các thành viên của đảng Cộng hòa thường đưa ra những luận điểm phê phán gay gắt chủ nghĩa xã hội, điển hình nhất là cựu tổng thống D.Trump. Ông thường xuyên gán ghép ứng viên Tổng thống Joe.Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris là người xã hội chủ nghĩa và coi cuộc bầu cử tổng thống là “sự lựa chọn giữa xã hội chủ nghĩa và giấc mơ Mỹ”[2].
Bên cạnh sự tranh giành ảnh hưởng trong đời sống chính trị ở các nước, việc phê phán chủ nghĩa xã hội của các lực lượng đối lập còn nhằm bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và lợi ích của các ông trùm tư bản. Tại nhiều nước phương Tây, các chính sách tiến bộ có xu hướng cánh tả thường bảo vệ lợi ích của đông đảo người lao động. Nó thường gắn với chính sách tăng thuế đối với các tập đoàn tư bản và những người giàu có, đồng thời gia tăng các khoản chi nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội. Điều này gặp phải sự chống đối của không ít các ông trùm tư bản. Thông qua các công cụ tuyên truyền, họ thường gán các chính sách có xu hướng cánh tả trên đây là đi theo chủ nghĩa xã hội, đồng thời phê phán nó và phê phán cả chủ nghĩa xã hội.
Nội dung chống phá chủ nghĩa xã hội xuất hiện trên nhiều lĩnh vực mới gắn liền với sự vận động của thực tiễn.
Nội dung chống phá chủ nghĩa xã hội của các lực lượng đối lập thường tập trung vào việc phê phán những lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội; thực hiện các chính sách thù địch với một quốc gia xã hội chủ nghĩa cụ thể; phê phán các đối thủ chính trị và các chính sách có xu hướng cánh tả trong chính các quốc gia tư bản. Tất cả những nội dung trên đây luôn có sự thay đổi, gắn liền với sự vận động của thực tiễn. Do vậy, các nội dung chống phá chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện nhiều vấn đề mới, trong đó có việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay. Nhiều học giả tư sản đã cố tình đổ lỗi cho chủ nghĩa xã hội là “chỉ biết kêu ca” chứ không thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu cấp bách và họ biện minh rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có thể giải quyết được các vấn đề này.
Một số gợi ý cho Việt Nam
Hoạt động chống phá chủ nghĩa xã hội của các lực lượng đối lập ở các nước Phương Tây đã, đang và sẽ diễn ra trong nhiều thập kỷ tới, các ngôn từ không hay về chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta hoang mang, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trái lại chúng ta cần bình tĩnh và nhận diện đúng về mục đích và bản chất của hoạt động chống phá này để có các chính sách đối phó thích hợp, vừa bảo vệ được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vừa xây dựng được mối quan hệ hoà bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Điều này đòi hỏi phải nhận diện đúng ý đồ và mục đích ẩn chứa phía sau những lời lẽ phê phán chủ nghĩa xã hội của các lực lượng chống đối. Nhận diện đúng điều này giúp chúng ta có thể linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng cương quyết trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta và của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới hiện nay.
[1]https://2009-2017.state.gov/secretary/remarks/2016/04/256680.htm.
[2]https://www.nytimes.com/2020/10/14/business/socialist-biden-trump.html.
Nguyễn Kim