Các quốc gia quyết tâm xúc tiến một cuộc điều tra độc lập về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 của WHO. (Nguồn: AFP) |
Nghị quyết được Liên minh châu Âu (EU) đệ trình và được chấp nhận với sự đồng thuận chung, kêu gọi một “cuộc đánh giá vô tư, độc lập và toàn diện”, “vào một thời điểm thích hợp sớm nhất”, về sự ứng phó y tế thế giới dưới sự điều hành của WHO đối với đại dịch Covid-19. Sự đánh giá này cũng sẽ nhắm vào “các hành động của WHO và các thời điểm đưa ra phản ứng”.
Mặc dù nghị quyết trao cho WHO quyền tự do quyết định cách thức tiến hành và không chỉ đích danh Trung Quốc để tập trung đánh giá, song cơ quan thuộc Liên hợp quốc (LHQ) này vẫn đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ phía Washington.
Nhiều tuần nay, Mỹ và Australia đã lên tiếng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra về cách thức WHO và Trung Quốc xử lý đại dịch. Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng về một cuộc điều tra mà Trung Quốc là trọng tâm, thay vào đó, kêu gọi tiến hành một sự đánh giá về sự ứng phó y tế toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người bị Washington gắn mác là quá thân thiết với Trung Quốc, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đối phó với đại dịch. Ông nói, cuộc điều tra này sẽ được xúc tiến vào một thời điểm thích hợp, song không đưa ra chi tiết cụ thể.
Ngày 18/5, một ủy ban cố vấn độc lập của WHO đã công bố bản báo cáo đầu tiên về đại dịch, trong đó đề xuất các quốc gia nên trao đổi thông tin với tổ chức này nhanh chóng hơn, cung cấp những nguồn lực lớn hơn và cải thiện các hệ thống cảnh báo của nước họ.
Nhiều quốc gia và giới chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách WHO, tổ chức ra đời sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, để tổ chức này có thể ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức về y tế trong thế kỷ XXI.
Nhà nghiên cứu bệnh dịch nổi tiếng người Mỹ Larry Brilliant nhận định, cấu trúc của WHO bị phức tạp hóa bởi thực tế rằng các quốc gia bỏ phiếu về mọi vấn đề, đồng nghĩa với việc bản thân cơ quan trực thuộc LHQ này không có thẩm quyền độc lập.
Nghị quyết đưa ra ngày 19/5 nhấn mạnh rằng việc xem xét lại tính hiệu quả của WHO rốt cuộc phải cải thiện được năng lực toàn cầu trong phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nghị quyết cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp cho WHO một nguồn tài trợ đầy đủ để đối phó với đại dịch Covid-19.
Vấn đề cải tổ WHO cũng được các nước thành viên quan tâm. (Nguồn: AP) |
Mặc dù nghị quyết không nhắc đến sự bùng phát của loại virus mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, song nó cũng kêu gọi WHO hợp tác với các nhà nước thành viên của các tổ chức khác thuộc LHQ để “xác định nguồn gốc động vật của loại virus này và con đường mà nó lây lan cho con người”. Hoạt động này, cũng nghiên cứu về vai trò tiềm tàng của các vật chủ trung gian truyền bệnh, hẳn sẽ bao gồm “các sứ mệnh khoa học và mang tính hợp tác”.
Trung Quốc cho biết luôn sẵn sàng hợp tác trong một cuộc điều tra độc lập- song chỉ khi nào đại dịch kết thúc.
Nghị quyết “nhận thức vai trò của việc miễn dịch trên diện rộng chống lại Covid-19 như một lợi ích công toàn cầu". kêu gọi một sự “tiếp cận phổ quát, kịp thời và hợp lý, cũng như sự phân bổ một cách công bằng tất cả các công nghệ và sản phẩm y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả và có giá cả phải chăng”.
Mặc dù đã ký phê chuẩn nghị quyết, Mỹ sau đó đã tự đưa ra những ý kiến không đồng tình với nghị quyết khi nói rằng những kiểu “liên kết sáng chế” có thể “gửi đi một thông điệp sai lệch tới các nhà phát minh, những người rất quan trọng trong công cuộc tìm ra giải pháp mà cả thế giới đang cần".
Theo Anna Marriott, Người phát ngôn chính sách y tế của hãng viện trợ Oxfam, nghị quyết này đang “đặt ra quá nhiều rào cản trên con đường tìm ra một loại vaccine cho tất cả mọi người”, bởi các tập đoàn dược phẩm không cần phải liên kết các sáng chế của họ.
Ngay từ ngày họp đầu tiên, các nước thành viên đã nhất trí quyết định hoãn thảo luận về quy chế quan sát viên cho Đài Loan, sẽ đề cập đến vấn đề này sau, trong năm nay, khi cuộc họp WHA được nối lại với một phiên dài hơn.
Những tranh cãi về Đài Loan (Trung Quốc) vốn đã đe dọa phủ bóng lên cuộc họp ngắn lần này. Bắc Kinh còn cảnh báo những lời kêu gọi của Mỹ cùng hơn một chục quốc gia khác ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên có nguy cơ “vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của LHQ và WHO, cũng như làm xói mòn những nỗ lực chống dịch toàn cầu”.
Trong khi đó, Washington cho rằng việc Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục nằm ngoài WHO “sẽ càng gây tổn hại cho uy tín và hiệu quả của WHO”.