Đặc biệt, Trung Quốc đang ráo riết xây dựng nhiều ngôi làng mới ở các vùng biên giới tranh chấp để mở rộng hoặc củng cố quyền kiểm soát của mình đối với các khu vực quan trọng chiến lược mà Ấn Độ, Bhutan và Nepal cho rằng vẫn nằm trong ranh giới quốc gia của họ.
Ý đồ chiến lược
Ẩn ý chiến lược của việc Trung Quốc thúc đẩy đưa dân tới các khu vực biên giới hoang vắng, không có người ở ngày càng "lộ sáng" qua việc tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự mới ở đây. Các cơ sở mới này bao gồm các trạm tác chiến điện tử, các điểm canh phòng, các kho đạn dược dưới lòng đất...
Hoạt động xây dựng làng mạc của Trung Quốc một lần nữa được chú ý, vào thời điểm hàng chục nghìn binh sĩ vẫn trong tư thế đối đầu với các lực lượng của Ấn Độ tại nhiều địa điểm.
Vào tháng 5 năm ngoái, Ấn Độ phát hiện ra điều đáng báo động là các lực lượng Trung Quốc đã lén lút chiếm giữ các đỉnh núi và các địa điểm thuận lợi chiến lược khác ở vùng biên giới cực Bắc của Ấn Độ là Ladakh.
Những ngôi làng biên giới mới được xây dựng của Trung Quốc trên dãy Himalaya cũng tương tự như những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi bản đồ địa chính trị đã được nước này "vẽ lại".
Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận "cắt lát salami" ở vùng biên giới Himalaya. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (có trụ sở tại Hong Kong) đã trích dẫn một tài liệu của chính phủ Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có ý định xây dựng 624 ngôi làng biên giới ở các khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya. Tạo ra tranh chấp ở nơi trước đây chưa từng xảy ra tranh chấp thường là bước đầu tiên của Trung Quốc để khẳng định yêu sách lãnh thổ, trước khi cố gắng chiếm lấy toàn khu vực.
Bắc Kinh đang điều những người chăn nuôi gia súc và chăn thả trâu bò tới trước quân đội chính quy, đến các khu vực biên giới hoang vắng trên dãy Himalaya để kích động các tranh chấp và sau đó sẽ khẳng định quyền kiểm soát. Cách tiếp cận như vậy đã giúp Bắc Kinh có thể "gặm nhấm" các vùng lãnh thổ của Himalaya.
Trong luật pháp quốc tế, một yêu sách lãnh thổ phải dựa trên việc thực thi chủ quyền liên tục và hòa bình đối với vùng lãnh thổ liên quan. Bằng cách xây dựng các ngôi làng mới ở biên giới và đưa người dân tới đó định cư, Trung Quốc hiện có thể viện dẫn luật pháp quốc tế để ủng hộ các tuyên bố của mình.
Việc kiểm soát thực sự là điều kiện thiết yếu cho một yêu sách lãnh thổ mạnh trong luật pháp quốc tế. Các cuộc tuần tra có vũ trang không chứng minh được khả năng kiểm soát thực sự, nhưng các khu định cư thì có thể.
Tốc độ và sự kín kẽ mà Trung Quốc đã và đang làm để thay đổi thực tế trên dãy Himalaya, mà không quan tâm nhiều đến những hậu quả địa chính trị, cũng phản ánh những cân nhắc khác.
Ví dụ, các làng ở biên giới sẽ hạn chế việc phản đối quân đội sử dụng vũ lực, đồng thời hỗ trợ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo và thực hiện các chiến dịch xuyên biên giới. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy những ngôi làng như vậy đã mọc lên nhanh chóng như thế nào, cùng với những con đường mới rộng lớn và các cơ sở quân sự.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã biện minh cho việc xây dựng một ngôi làng mới bên trong Arunachal Pradesh - một bang biên giới rộng lớn của Ấn Độ - bằng cách nói rằng họ “chưa bao giờ công nhận” chủ quyền của Ấn Độ đối với khu vực đó.
Báo động đỏ về môi trường
Âm vang của chiến thuật "cắt lát salami" trên biển của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến môi trường trên dãy Himalaya. Theo một tòa án trọng tài quốc tế, việc Trung Quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường rạn san hô”.
Tương tự, việc Trung Quốc xây dựng các ngôi làng và cơ sở quân sự ở vùng biên giới có nguy cơ tàn phá hệ sinh thái dễ bị tổn thương trên dãy Himalaya, nơi vốn là đầu nguồn của các con sông lớn ở châu Á.
Những thiệt hại về môi trường đã trở nên rõ ràng trên cao nguyên Doklam từng rất nguyên sơ, được Bhutan tuyên bố chủ quyền, nơi mà Trung Quốc đã biến thành một khu quân sự kể từ khi chiếm giữ vùng đất này vào năm 2017.
Tuy nhiên, ngay cả một cường quốc quân sự quan trọng như Ấn Độ cũng đang phải vật lộn để tìm ra những cách hiệu quả nhằm chống lại sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc dọc theo một trong những tuyến biên giới nguy hiểm và khắc nghiệt nhất thế giới.
Hành động gây hấn không dùng đạn của Trung Quốc - dựa trên việc sử dụng dân thường được quân đội hậu thuẫn để tạo ra sự thật mới trên thực địa - khiến cho việc phòng thủ trở nên khó khăn bởi vì cần phải chống lại chiến thuật này mà không được khơi mào một cuộc chiến.
Mặc dù Ấn Độ đã đáp trả bằng các đợt triển khai quân sự rầm rộ, song các lực lượng Trung Quốc vẫn kiểm soát hầu hết các khu vực mà họ đã chiếm giữ gần một năm trước./.
Theo Japan Times