Đại diện các quốc gia tại đầu cầu Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến chính sách an ninh diễn đàn khu vực ASEAN
Trung Quốc gây hấn nguy hiểm ở Biển Đông
Tại các diễn đàn khu vực mới đây nhất, trong đó có hội nghị ASEAN các cấp cùng những hội nghị liên quan, đại diện các quốc gia khu vực và thế giới đã nêu đích danh những hành vi gây hấn nguy hiểm, vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền hợp pháp những quốc gia liên quan của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông.
Trong đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) diễn ra ngày 8-7 với sự tham dự của 26 đối tác trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ban Thư ký ASEAN, ông Nishida Yasunori, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản phụ trách đối ngoại, đã nêu rõ những hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua như vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ, nước này “đặc biệt quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông” thời gian gần đây, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi việc làm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng ép là “không thể chấp nhận được. Ông Nishida Yasunori đã nêu đích danh những hành vi đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông như sự xuất hiện của hai trạm nghiên cứu và các đơn vị hành chính mới của Trung Quốc, cũng như vụ tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori là sự thể hiện quan điểm mạnh mẽ mới nhất của cộng đồng quốc tế trước hàng loạt hành vi, việc làm phi lý, phi pháp thời gian vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông. Bất chấp đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn liên tiếp có những việc làm phi pháp nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền bất hợp pháp trên vùng biển này.
Về mặt pháp lý, Trung Quốc có hàng loạt việc làm hòng chuẩn bị cơ sở pháp lý cho những đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” và cái gọi là “thuyết Tứ sa” ở Biển Đông, trong đó có những bước đi là sự leo thang mới như thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Liền ngay sau đó, Trung Quốc lại công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Trên thực địa, Trung Quốc huy động sức mạnh của hải quân, hải cảnh (cảnh sát biển), tàu cá vũ trang… để “bắt nạt” các bên khác trong khu vực ở Biển Đông, trong đó hành động nguy hiểm bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ là cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam… Đồng thời, Trung Quốc có những hành vi gây căng thẳng, gây hấn, “bắt nạt” trên các vùng biển mà các nước thành viên ASEAN là Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, trong đó những cuộc tập trận có sự tham gia của biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.
Không thể chấp nhận được
Những gì diễn ra ở Biển Đông thời gian qua đã cho thấy Trung Quốc đang bất chấp tất cả, ngay trong đại dịch Covid-19 xâm phạm chủ quyền hợp pháp các quốc gia liên quan và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực, hòng theo đuổi bằng được yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia khu vực cũng như các quốc gia gắn bó lợi ích chiến lược với Biển Đông, đều đã nhận rõ điều đó và có quan điểm ngày càng cứng rắn cùng hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này của Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori tại Hội nghị trực tuyến ASPC ngày 8-7 tuyên bố, những việc làm để thay đổi hiện trạng một cách đơn phương ở Biển Đông là “không thể chấp nhận được”. Điều này làm ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác của các quốc gia trong khu vực và trong bối cảnh Covid-19, đó là một vấn đề ngày càng quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề hàng hải, cần có một trật tự hàng hải mở, tự do dựa trên luật lệ quốc tế ở Biển Đông.
Vị đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau để đối mặt với các thách thức hiện nay ở Biển Đông. Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố chung của lãnh đạo Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, đó là giải quyết các vấn đề một cách hoà bình, các lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc vể Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Ông Guillaume Décot, Cơ quan Hành động đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh các hành động đơn phương trong những tháng gần đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến môi trường an ninh hàng hải khu vực và đe dọa đến an ninh hòa bình khu vực. Vị đại diện của EU nêu rõ, EU ủng hộ quan điểm của ASEAN về thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và cũng như quản trị biển dựa trên luật lệ quốc tế.
Quan điểm của cộng đồng quốc tế còn thể hiện bằng những hành động thực tế đáp trả những hành vi gây căng thẳng, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Chuẩn đô đốc Pat Hannifin, Chỉ huy tàu sân bay USS Ronald Reagan, nêu rõ sự hiện diện hiện nay của tàu USS Ronald Reagan cùng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở Biển Đông là để khẳng định “Hòa bình thông qua sức mạnh”.
Các hoạt động của hải quân Mỹ ở đây với tuyên bố nhằm củng cố các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển cũng như không phận được bảo đảm theo luật pháp quốc tế. Đề cập đến việc Mỹ điều hai tàu sân bay trên đến Biển Đông, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows ngày 6-7 tuyên bố, thông điệp rất rõ ràng là Mỹ không đứng ngoài cuộc và để cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào nắm quyền thống trị và quyền lực cao nhất dù là ở Biển Đông hay nơi nào khác.
Nguồn: anninhthudo.vn