Trên sàn giao dịch chứng khoán London ICE hôm 13/12, giá khí đốt giao sau tăng 7,5% và đạt mức giá là 1.329 USD/nghìn mét khối. Mặc dù vẫn chưa bằng mức kỷ lục trong lịch sử vào hồi tháng 10 năm nay là 1937USD/nghìn mét khối, nhưng nó đã cao gấp 3 lần so với thời điểm nửa năm trước.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, Moscow sẵn sàng cung cấp nguồn “khí đốt không bị gián đoạn” trong các hợp đồng dài hạn cho các nước châu Âu.
Các dòng khí đốt sẽ được bơm thẳng vào các tuyến đường ống trung chuyển từ Nga sang châu Âu mà không cần bất cứ bến bãi, trạm tiếp nhận, trạm tái chế từ sạng lỏng sang khí như loại “Khí tự nhiên hóa lỏng” (LNG).
Hiện nay, Nga đang có sẵn các tuyến đường ống trung chuyển qua Ukraine, qua Belarus (Yalma-Europe), qua Thổ Nhĩ Kỳ (Tukstream) và nếu tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc-2 (Nord Stream 2) được thông dòng, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ được thỏa mãn.
Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang tàn phá châu Âu, vẫn vang lên những cáo buộc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí địa-chính trị |
Khi các nước sử dụng các hợp đồng dài hạn, họ sẽ được hưởng giá khí đốt thấp nhiều lần so với giá thị trường và khi nguồn cung tăng lên, nhu cầu c giảm xuống thì giá khí đốt giao ngay cũng sẽ hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các quan chức một số nước như Ukraine, Ba Lan đã lên tiếng phản đối thiện chí này của Nga. Theo họ, Nga có kế hoạch “phổ biến” các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn, do đó ràng buộc các nước châu Âu với mình và sắp xếp một âm mưu địa - chính trị liên quan đến từng quốc gia đó.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Naftogaz (Ukraine) Yuriy Vitrenko, những hành động của Nga đang chứng minh luận chứng Moscow đang sử dụng khí đốt như một vũ khí địa-chính trị để tống tiền châu Âu, giúp nước này nhận được chứng nhận cho phép vận hành tuyến đường ống “Dòng chảy Phương Bắc-2” (Nord Stream 2) càng sớm càng tốt.
Ông Vitrenko cáo buộc rằng, Gazprom đã hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu một cách giả tạo xuống mức thấp kỷ lục, dẫn đến giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng mạnh.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trước đó cũng đã liên hệ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu, cùng với giá khí đốt đang tăng vọt ở Lục địa già, với sự phụ thuộc quá mức của EU vào Tập đoàn Xuất khẩu khí đốt khổng lồ của Nga là Gazprom.
Ngoài ra, còn có một nhóm các thành viên Nghị viện châu Âu đã cáo buộc rằng, Moscow đang sử dụng Nord Stream 2 như một “vũ khí năng lượng hỗn hợp” chống lại Ukraine và toàn bộ cộng đồng châu Âu.
Thế nhưng, có những quốc gia khác lại không nghĩ như vậy. Theo họ, với nguồn cung dồi dào, giá rẻ, không kèm bất cứ điều kiện chính trị nào, khí đốt không phải là “vũ khí” mà thực sự là một “tấm séc”, giúp các nước này vừa bảo đảm được an ninh năng lượng, vừa tiết kiệm được một nguồn ngân sách lớn.
Vừa qua, một loạt quốc gia châu Âu như Hungary, Serbia hay Moldova đã ký mới hoặc gia hạn các hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga, với khối lượng mỗi nước hàng tỷ mét khối một năm. Ngay cả Ukraine, mặc dù lớn tiếng đòi chặn Nord Stream 2 nhưng vẫn muốn Nga gia hạn trung chuyển thêm 15 năm, cùng với những ưu đãi về giá khí đốt cho nước này.
Ví dụ điển hình là Serbia hồi đầu tháng này thỏa thuận với Nga cung cấp khí đốt trong 6 tháng tới với mức giá 270USD/1.000m3, trong khi giá khí đốt thị trường hiện đang ở mức 1.329USD/1.000m3 (trong vòng hơn 2 tháng nay luôn ở mức hơn 1.000USD, thậm chí có lúc lên tới hơn 1.900USD/.1000m3). Như vậy, cứ với mỗi 1.000m3, nước này đã tiếp kiệm được ít nhất là 1.000 USD.
Giả sử Serbia tiếp tục đạt gia hạn được hợp đồng cung cấp tiếp theo từ Nga, với mức sử dụng mỗi năm 4 tỷ m3 khí đốt, chính quyền Beograd hàng năm đã tiết kiệm cho ngân sách quốc gia khoảng hơn 4 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn đối với những quốc gia có thu nhập thấp này.
Nguồn: anninhthudo.vn