Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt khiến các nhà máy phải ngừng hoạt động, các chính trị gia “giật mình” và khiến người tiêu dùng lo sợ về một mùa đông lạnh giá.
Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người vừa bước sang tuổi 69 vào hôm 7/10, tất cả giống như một món quà sinh nhật sớm, theo New York Times.
Xu hướng giảm phát thải và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu lâu nay là một trong những yếu tố đe dọa làm suy yếu nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu và khí đốt.
Vào mùa thu năm nay, người châu Âu cuối cùng đã nhận được sự cái giá phải trả: sự hội tụ của các sự kiện đã đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục, đặt Tổng thống Nga vào tình thế “phải đi giải cứu”.
“Chúng ta hãy nghĩ về khả năng tăng nguồn cung trên thị trường, nhưng chúng ta phải thận trọng khi làm như vậy” ông Putin nói với Bộ trưởng Năng lượng Nga ngày 6/10. Điều này khiến giá khí đốt giảm mạnh trong vài phút mặc dù vẫn còn cao gấp 7 lần so với một năm trước.
Cuộc họp trực tuyến được phát trên truyền hình này đã khẳng định vị trí thống trị mà ông Putin cho đến nay vẫn duy trì được với tư cách là nhà lãnh đạo của một quốc gia cung cấp hơn 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu.
Trước đây, Nga đã sử dụng vai trò của mình là nhà cung cấp năng lượng quan trọng để gây sức ép với các quốc gia riêng lẻ như Belarus, Gruzia và Ukraine. Giờ đây, căng thẳng là về một điều gì đó hiện hữu rõ ràng hơn: tương lai mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất của Nga với châu Âu và đòn bẩy địa chính trị chủ chốt của Điện Kremlin.
Giá khí đốt châu Âu tăng cao, Nga là “thủ phạm”?
Mikhail Krutikhin, nhà phân tích năng lượng của công ty tư vấn RusEnergy cho biết: “Chúng tôi quyết định: ‘Hãy để họ đóng băng một chút vào mùa đông này và sau đó họ sẽ trở nên nói nhiều hơn và sẽ không kiên quyết từ bỏ khí đốt’. Đây là ván cược khá hời”.
Những kiểu phát ngôn như vậy khiến châu Âu nghi ngờ rằng Nga đang cố tình giữ lại lượng khí đốt tự nhiên để tìm cách gây áp lực để Đức và Brussels nhanh chóng cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đường ống dẫn dưới biển vận chuyển một lượng lớn khí đốt cho Tây Âu.
Theo ông Trevor Sikorski, người đứng đầu bộ phận khí đốt toàn cầu của Energy Aspects - một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, quyết định không lấp đầy các cơ sở lưu trữ tại châu Âu của Nga là một phần nguyên nhân khiến giá tăng cao.
“Nga không thể chỉ rửa sạch tay và nói rằng nó không liên quan gì đến họ. Rõ ràng là họ có liên quan khá nhiều”, ông Sikorski nói.
Ủy ban châu Âu đang xem xét cáo buộc Nga đang thao túng dòng khí đốt để đẩy giá lên nhưng chưa đưa ra kết luận. Thủ tướng Đức Angela Merkel, bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga là nguyên nhân một phần gây ra tình trạng tăng giá khí đốt ở châu Âu. Chính phủ của bà Merkel ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2 và gọi đây là một thỏa thuận kinh doanh, chứ không phải chiến lược địa chính trị.
“Theo hiểu biết của tôi, không có đơn đặt hàng nào mà phía Nga nói rằng: chúng tôi sẽ không giao hàng cho bạn. Nga chỉ có thể cung cấp khí đốt trên cơ sở các nghĩa vụ theo hợp đồng”, bà Merkel nói với các phóng viên hôm 5/10.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/10 tại Brussels, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng Nga có lịch sử tận dụng năng lượng như một vũ khí chính trị, nhưng “cho dù đó là những gì đang xảy ra ở đây bây giờ là điều tôi sẽ quy trách nhiệm cho những người khác”.
Dù vậy, ông Sullivan cũng nhấn mạnh Mỹ “thực sự quan ngại” rằng việc cung cấp năng lượng không theo kịp với nhu cầu phục hồi. Ông đã thảo luận vấn đề này vào ngày 6/10 với các quan chức EU và rằng Mỹ “muốn liên kết với châu Âu” trong việc đảm bảo nhiều nguồn cung cấp hơn. Mỹ đã phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 với lý do dự án này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, nhưng vào tháng 8 vừa qua, Washington đã từ bỏ việc đe dọa ngăn cản dự án đường ống dẫn khí đốt này.
“Chúng tôi có lợi ích cơ bản trong việc thấy nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu, cả khí đốt và dầu mỏ, ở mức đủ để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế toàn cầu và không bị đình trệ. Chúng tôi muốn các nhà cung cấp năng lượng thực hiện giải pháp để đảm bảo mọi việc sẽ diễn ra theo hướng này”, ông Sullivan nói.
Nga nắm bắt cơ hội “vàng”
Các nhà phân tích và quan chức cho biết, Nga đã và đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với các khách hàng châu Âu, nhưng từ chối cung cấp nhiều hơn đáng kể khi cầu ngày càng vượt xa cung. Điều đó đã làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng năng lượng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự gia tăng nhu cầu khi thế giới thoát khỏi đại dịch, dự trữ năng lượng từ cuối mùa đông 2020 ở mức thấp, nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc và tốc độ gió thấp ở châu Âu khiến năng lượng tái tạo bị giảm sản lượng.
Điện Kremlin đã nắm bắt tình hình để đạt được lợi thế chiến thuật. Nhu cầu tăng cao mang đến cho Nga cơ hội khuyến khích các khách hàng châu Âu ký hợp đồng dài hạn với Gazprom thay vì mua bán ngắn hạn trên các sàn giao dịch. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy EU thực hiện các bước phê duyệt cuối cùng cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Những người ủng hộ Gazprom cho rằng công ty này không bắt buộc phải cung cấp khí đốt vượt quá những gì họ đã cam kết trong hợp đồng và các quan chức châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nếu họ không lên kế hoạch đúng đắn.
“Chúng tôi có nghĩa vụ phải cung cấp thêm khối lượng khí đốt mới hay không? Không, chúng tôi không có nghĩa vụ đó. Người châu Âu nên lấy khối lượng khí đốt mới từ đâu? Từ Dòng chảy phương Bắc 2”, Sergei Pikin, một nhà phân tích năng lượng người Nga, cho biết.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak đã công khai nói về mối liên hệ với đường ống dẫn khí đốt trong cuộc họp video được phát trên truyền hình của ông với Tổng thống Putin hôm 5/10.
Việc EU chứng nhận và phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2 “càng nhanh càng tốt” sẽ đem lại “một tín hiệu tích cực” để “hạ nhiệt tình hình hiện tại”, ông Novak nói.
“Vũ khí” năng lượng trở thành đòn bẩy chính trị
Với việc Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, khả năng nắm giữ thị trường năng lượng của Nga ở châu Âu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, mang lại cho ông Putin nhiều cơ hội hơn để tác động đến chính trường châu Âu. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Nga vào Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt xuất khẩu sang Tây Âu.
Ông Putin khẳng định, Nga không có lỗi trong tình trạng khó khăn của châu Âu hiện nay.
“Những gì chúng ta thấy bây giờ là do những hành động dai dẳng của họ, ít nhất là do bất cẩn và điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho thị trường”, ông Putin đề cập đến các quan chức châu Âu.
Hôm 6/10, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn tương lai tiếp tục giảm do các nhà giao dịch dự đoán rằng Nga sẽ mở cửa các chốt nối [đường ống dẫn khí đốt].
Một quan chức cấp cao của Gazprom cảnh báo, biến động giá cả ở châu Âu đang “gây bất ổn” và cho biết công ty đã cung cấp khí đốt ở mức cao nhất theo các thỏa thuận được ký kết mà công ty này có thể làm.
“Chúng tôi thực sự cảm thấy tất cả các quốc gia đang trải qua cú sốc về giá năng lượng. Đây là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào”, Elena Burmistrova, quan chức của Gazprom, cho biết tại một hội nghị ở St.Petersburg.
Nguồn: vtc.vn