Đá Subi bị Trung Quốc bồi đắp, quân sự hóa trái phép. (Nguồn: AP) |
South China Morning Post ngày 31/5 dẫn một nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho việc lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010, cùng thời điểm họ xem xét việc đưa ra các biện pháp tương tự ở Biển Hoa Đông – động thái bị đông đảo dư luận quốc tế chỉ trích.
Theo nguồn tin giấu tên của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ADIZ được đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và cơ quan chức năng Trung Quốc chỉ đang chờ thời điểm thích hợp để công bố.
Trong khi Bắc Kinh có thể kín đáo về vấn đề này, cơ quan phòng vệ của Đài Loan hôm 4/5 nói rằng họ đã biết kế hoạch của Đại lục.
ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự bay vào vùng này phải nhận dạng; xác minh, xác định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng.
Các nhà quan sát quân sự cho rằng, thông báo về ADIZ thứ 2 của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục nổi trong quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Lu Li-Shih, cựu giảng viên của Học viện Hải quân Đài Loan nhận định rằng việc xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo, đặc biệt là các đường băng và hệ thống radar được xây dựng trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn đã diễn ra trong những năm qua là một phần trong kế hoạch thiết lập ADIZ của Bắc Kinh.
“Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - PLA đã triển khai các máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không KJ-500 và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 tại Đá Chữ Thập”, ông Lu nói khi đề cập những bức ảnh do Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á và Quốc tế ImageSat của Israel thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), có trụ sở tại Washington, chụp được.
Ông Lu khẳng định việc các cơ sở có gắn máy lạnh đang được xây dựng trên Đá Chữ Thập cho thấy các máy bay chiến đấu cần được bảo vệ khỏi nhiệt độ cao, độ ẩm và độ mặn tại khu vực này sẽ sớm được triển khai tại đó. Một khi các máy bay chiến đấu của PLA đến đó, chúng sẽ tham gia cùng với máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống ngầm trong việc thực hiện các hoạt động tuần tra ADIZ.
Đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, ông Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh và là cựu đại tá PLA, cho rằng các nước thông thường chờ đợi để công bố thiết lập một ADIZ cho đến khi họ có các khả năng chiến đấu, thiết bị phát hiện cần thiết và các cơ sở hạ tầng khác để quản lý nó.
Nhưng nếu có thời cơ, Bắc Kinh có thể đưa ra thông báo sớm hơn. Ông Li Jie nói: “Bắc Kinh đã tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông mặc dù PLA vẫn chưa có khả năng phát hiện, theo dõi và trục xuất máy bay nước ngoài xâm nhập”.
Theo một nguồn tin quân sự khác của Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rằng Biển Đông là khu vực rộng lớn hơn Biển Hoa Đông và do đó sẽ cần nhiều nguồn lực để tuần tra. Ông Le Jie nói: “Bắc Kinh ngần ngại tuyên bố ADIZ ở Biển Đông do một số cân nhắc về kỹ thuật, chính trị và ngoại giao. Nhưng vấn đề thực tế nhất là PLA trước đây không có khả năng điều máy bay chiến đấu để xua đuổi máy bay chiến đấu nước ngoài xâm nhập Biển Đông, vốn có diện tích lớn gấp nhiều lần so với Biển Hoa Đông và chi phí thực hiện ADIZ sẽ là rất lớn”.
Vào năm 2010, chính quyền Trung Quốc đã nói với một phái đoàn Nhật Bản đến thăm Bắc Kinh rằng họ đang xem xét thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông.
Theo một báo cáo của CSIS năm 2017, Bắc Kinh cho biết vấn đề này cần được thảo luận vì kế hoạch của họ chồng chéo với vùng phòng không của Nhật Bản. Tin tức trên đã khiến Tokyo phẫn nộ và phản ứng bằng cách thiết lập một ADIZ của riêng mình, bao trùm quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Ông Li nói: “Trung Quốc tuyên bố ADIZ đầu tiên của mình sớm hơn so với kế hoạch bởi vì nước này cần phải khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư”. Nhưng động thái này đã vấp phải phản ứng dữ dội của Nhật Bản và Mỹ.
Trong khi quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã được cải thiện trong những năm gần đây, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tăng lên đều đặn, với việc hai bên đụng độ trên nhiều mặt trận, từ thương mại và công nghệ cho đến các vấn đề về quân sự và tư tưởng.
Quan hệ Mỹ-Trung đã phải chịu áp lực cao do hậu quả của đại dịch Covid-19, khi hai bên tranh cãi về cách giải quyết khủng hoảng y tế và nguồn gốc của loại virus gây chết người này.
Trung Quốc đã tìm cách xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á trong những năm gần đây, nhưng theo ông Drew Thompson, một nghiên cứu viên cao cấp của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, mối quan hệ này có nguy cơ rạn nứt nghiêm trọng nếu Trung Quốc thông báo một ADIZ trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ chỉ gây bất lợi cho chính mình nếu công bố ADIZ ở Biển Đông.
Ông Thompson nói: “Một tuyên bố như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, mà cho đến nay hầu hết các nước đã chứng kiến sự khiêu khích của Trung Quốc, bao gồm cải tạo đất và quân sự hóa các thực thể".
Theo Thế giới và Việt Nam