Bạo lực giữa lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã bùng phát từ hôm 15/4, khiến hơn 500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Khoảng 50.000 - 70.000 người đã chạy trốn khỏi đất nước trong khi 5 triệu người di tản trong nước. Giao tranh vẫn tiếp tục dù hai phe đã thống nhất về lệnh ngừng bắn.
Sudan, quốc gia 48 triệu dân nằm ở đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, vốn bị bạo lực tàn phá trong nhiều thập kỷ. Đất nước trải qua nhiều cuộc nội chiến và xung đột kể từ khi giành được độc lập từ Anh và Ai Cập vào năm 1956.
Nội chiến thứ nhất
Cuộc nội chiến đầu tiên ở Sudan nổ ra vài tháng trước khi giành được độc lập vào ngày 1/1/1956 và kéo dài đến năm 1972.
Chính phủ ở bắc Sudan, nơi cộng đồng người Arab và Hồi giáo chiếm đa số, chiến đấu chống lại nhiều lực lượng nổi dậy ở nam Sudan, nơi người dân chủ yếu theo đạo Cơ đốc.
Cuộc xung đột kéo dài 17 năm kết thúc bằng một hiệp ước được ký kết ở nước láng giềng Ethiopia, theo đó tổng thống trao quyền tự trị cho nam Sudan. Ước tính 500.000 người đã chết trong cuộc xung đột này.
Sau 11 năm tương đối hòa bình, thỏa thuận sụp đổ vào năm 1983 khi Tổng thống Jaafar Nimeiri quyết định thu hồi quy chế tự trị của nam Sudan, đẩy mạnh chính sách "Hồi hóa" bằng cách yêu cầu thi hành luật Hồi giáo Sharia trên toàn quốc, dẫn đến cuộc nội chiến thứ hai.
Nội chiến thứ hai
Năm 1983, Phong trào Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM/A), do John Garang lãnh đạo, nổi dậy đòi độc lập cho nam Sudan. Tháng 9/1984, Tổng thống Nimeiry tuyên bố sẽ miễn áp dụng Sharia cho những ai không theo đạo Hồi nhưng nhóm SPLM/A không giải giáp.
Chính phủ Sudan sau đó tiến hành một số nỗ lực để đạt hòa bình với phiến quân nhưng đều lâm vào bế tắc. Năm 1989, Omar al-Bashir, tướng quân đội theo đạo Hồi, lên nắm quyền nhờ đảo chính và ra lệnh mạnh tay càn quét phiến quân ở nam Sudan. Tình hình thêm rối loạn khi quân SPLM/A bất đồng nội bộ và phân hóa thành vài nhóm.
Dù vậy, các cuộc hòa đàm sau đó dần có tiến triển. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 1/2005, khi Garang ký hiệp ước hòa bình với chính quyền Bashir. Theo hiệp ước, luật Hồi giáo Sharia không được áp dụng ở nam Sudan và nam Sudan được trao cho 6 năm tự trị trước khi tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định tiếp tục là một phần của Sudan hay ly khai.
Cuối cùng, Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. Đây là vùng giàu dầu mỏ và quyết định này đã khiến Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng, châm ngòi cho làn sóng biểu tình bạo lực sau này.
Ước tính hai triệu người đã thiệt mạng và 4 triệu người phải di tản trong cuộc nội chiến kéo dài 22 năm
Xung đột Darfur
Chiến sự bùng phát ở vùng Darfur rộng lớn ở miền tây Sudan năm 2003, khi các phiến quân nổi dậy chống lại chính phủ ở Khartoum, cáo buộc họ phân biệt đối xử với cộng đồng không phải người Arab ở đây.
Khartoum đáp trả bằng cách triển khai Janjaweed, lực lượng dân binh vũ trang Arab đã tấn công các ngôi làng ở Darfur bên cạnh quân đội chính quy.
Theo Liên Hợp Quốc, trong 5 năm đầu tiên, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người do giao tranh trực tiếp cũng như bệnh tật và suy dinh dưỡng. Khoảng 2,5 triệu người đã phải di tản.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague năm 2009 và 2010 đã ra lệnh bắt Tổng thống Bashir với cáo buộc tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng ở Darfur. ICC cho rằng al-Bashir đã ra lệnh cho binh sĩ và Janjaweed thực hiện các hành động giết người hàng loạt, cưỡng hiếp, cướp bóc dân thường ở Dafur. Tuy nhiên, lệnh bắt chưa bao giờ được thi hành.
Al-Bashir bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2019, chấm dứt 30 năm cầm quyền. Cuộc chiến kết thúc năm 2020, sau khi chính quyền Sudan và các phiến quân ký hiệp ước hòa bình.
Giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF
Xung đột Darfur rất quan trọng bởi hai phe chủ chốt trong cuộc khủng hoảng hiện tại đều từng đóng vai trò lớn trong cuộc chiến ở khu vực này.
Tướng Abdel Fattah al-Burhan, nhà cầm quyền hiện tại ở Sudan, đã là chỉ huy quân đội tại khu vực Darfur vào năm 2008. Khi cuộc đảo chính lật đổ Bashir diễn ra vào tháng 4/2019, Burhan là tổng thanh tra quân đội và tướng cao cấp thứ ba của Sudan.
Quân đội Sudan thành lập Hội đồng Quân sự Chuyển đổi (TMC) để lãnh đạo đất nước. Vì người biểu tình phản đối bộ trưởng quốc phòng thời Bashir lãnh đạo TMC, Burhan đã trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự.
Vài tháng sau, áp lực quốc tế khiến quân đội Sudan phải chấp nhận chia sẻ quyền lực với lực lượng dân sự, dẫn tới việc thành lập Hội đồng Chủ quyền (SC) thay thế TMC, với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok.
Tuy nhiên, thỏa thuận đổ vỡ nhanh chóng. Tướng al-Burhan đã dẫn đầu cuộc đảo chính, phế truất chính quyền Hamdok vào tháng 10/2021. Từ đó, ông trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự. Ông củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Ai Cập, những nước đã khuyến khích al-Burhan loại bỏ al-Bashir.
RSF, phe còn lại trong chiến sự ở Sudan hiện tại, có tiền thân là lực lượng Janjaweed đã tham chiến ở Darfur. Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo RSF, vốn là đồng minh thân thiết của al-Burhan, từng là phó chủ tịch TMC và đã hỗ trợ ông al-Burhan trong cuộc đảo chính năm 2019 và năm 2021.
Vào tháng 12/2022, quân đội Sudan và RSF đạt được thỏa thuận hứa hẹn về một chính phủ dân sự và cam kết tổ chức các cuộc bầu cử trong hai năm, với hy vọng hồi sinh nền kinh tế gặp khó khăn của Sudan thông qua viện trợ nước ngoài và giảm nợ.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai tướng rạn nứt vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội Sudan. Dagalo, người ngần ngại chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng bán quân sự hùng mạnh, đã yêu cầu quá trình sáp nhập RSF vào SAF kéo dài một thập kỷ, nhưng tướng Burhan chỉ muốn hai năm.
Mâu thuẫn đã leo thang thành đụng độ từ giữa tháng này, khi cả hai bên đều muốn giành quyền kiểm soát đất nước. Dagalo cho biết lực lượng của ông sẽ "không ngừng chiến đấu" cho đến khi "hoàn toàn kiểm soát" tất cả các địa điểm quân sự.
Cuộc xung đột có nguy cơ kéo dài khi Dagalo có sự hậu thuẫn của lãnh chúa Libya Khalifa Haftar. Ông là chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Hạ viện Libya, kiểm soát vùng Tobruk ở miền đông đất nước.
Hafta được mô tả là "lãnh chúa mạnh nhất Libya" và đã chiến đấu "ủng hộ hoặc chống lại gần như mọi phe phái" trong xung đột ở quốc gia này. Các nguồn tin cho biết lãnh chúa Haftar cung cấp các thông tin tình báo quan trọng, hỗ trợ nhiên liệu và có thể đã huấn luyện một biệt đội hàng trăm lính RSF trong khoảng từ tháng 2 tới giữa tháng 4.
Alex De Waal, chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts ở Mỹ, đánh giá cuộc đụng độ hiện tại giữa RSF và quân đội Sudan" là vòng đầu tiên của một cuộc nội chiến".
"Trừ khi nó nhanh chóng kết thúc, xung đột sẽ trở thành cuộc chiến nhiều cấp khi các bên trong khu vực và quốc tế can thiệp vào để theo đuổi lợi ích, bằng cách bơm tiền, vũ khí cho hai phe, thậm chí triển khai quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm", ông cho biết.
Nguồn: vnexpress.net