Khó khăn vấn đề nội khối
Đầu tiên, trong bối cảnh dịch bệnh, gói kích thích tài chính trị giá 750 tỷ Euro (888 tỷ USD) được xem như một nỗ lực lớn của các quốc gia EU khi đại dịch Covid-19 đã làm kiệt quệ nền kinh tế của lục địa này. Các chính trị gia EU nhận định rằng tán thành gói kích cầu này là một việc dễ dàng, nhưng thống nhất trong cách phân bổ và chi tiêu sẽ khó khăn hơn nhiều.
Một số quốc gia hoài nghi, trong đó có Hà Lan, sẽ đặc biệt chú tâm tới chi tiêu công của chính phủ các nước thành viên. Tuy nhiên, Tây Ban Nha và Italy rõ ràng không thích việc các nước EU khác “tò mò” vào vấn đề phân bổ tài chính của mình. Những cuộc thảo luận này mới chỉ ở trong khuôn khổ nội bộ quốc gia, nhưng sang đến năm 2021, chúng sẽ bắt đầu xuất hiện ở cấp độ châu Âu.
Thứ hai, sự tồn tại của thị trường chung phụ thuộc rất nhiều vào nền chính trị minh bạch, đảm bảo tự do báo chí và hệ thống luật pháp công bằng của các quốc gia. Tuy nhiên, nền tảng này đang có dấu hiệu lung lay. Các cáo buộc tham nhũng, dịch vụ làm hộ chiếu hay vấn đề tự do báo chí ở một số quốc gia thành viên đã làm dấy lên sự nghi ngờ về tính pháp quyền của EU.
Thứ ba, hai quốc gia thành viên đặc biệt quan trọng của EU sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực trong năm tới. Hà Lan sẽ tiến hành bầu cử vào mùa Xuân, mở màn cho một trong hai cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu năm 2021. Trong bối cảnh đó, không loại trừ khả năng Thủ tướng Mark Rutte có thể duy trì quan điểm cứng rắn đối với hàng xóm ở phía Nam nhằm không đánh mất sự ủng hộ của phe thiên hữu có quan điểm bài EU. Cân bằng quan điểm sẽ là yếu tố then chốt để ông Rutte giành chiến thắng một lần nữa.
Tuy nhiên, câu chuyện chuyển giao quyền lực tại Đức thì khác. Sự ra đi của Thủ tướng Angela Merkel sau cuộc bầu cử vào mùa Thu sẽ để lại lỗ hỗng lớn hơn tới EU. Mặc dù Đức không phải lúc nào cũng đạt điều mình muốn, nhưng Berlin luôn thành công trong việc ngăn chặn những gì họ phản đối. Sự ra đi của bà Markel sẽ để lại khoảng trống quyền lực và vai trò lãnh đạo mà EU cần sớm tìm người khỏa lấp.
Bài toán đối ngoại
Về đối ngoại, hàng loạt bất ổn đang “bủa vây” khối, từ Bắc Phi đến Nga và đang đe dọa các biên giới của EU. Định hình một chính sách đối ngoại thống nhất và chặt chẽ với các láng giềng của EU sẽ không hề dễ dàng, bởi sự khác biệt về lợi ích giữa các nước trong khối.
Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tiếp tục là bài toán khó mà EU cần sớm có lời giải. Dù bị coi là mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều quốc gia chủ chốt, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại có nhiều lợi ích tương đồng với phần còn lại.
Xây dựng một khung chính sách với Trung Quốc được cho là dễ hơn so với Nga, song cũng không hề dễ dàng. Bốn năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một lời nhắc nhở kịp thời rằng lợi ích của Mỹ và châu Âu không phải lúc nào cũng tương đồng.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết sẽ thiết lập một “ủy ban địa chính trị” nhằm giải quyết nhu cầu điều chỉnh mối quan hệ giữa EU và các thế lực lớn khác.
EU cần thận trọng để tránh phụ thuộc vào mối quan hệ với Mỹ hay bị cuốn vào bất kỳ cạnh trạnh Mỹ-Trung. Dù EU từ lâu đã coi mình là cường quốc kinh tế, sử dụng thương mại như một cây gậy, giới nghiên cứu nhận định rằng đã đến lúc EU cần xem xét nghiêm túc việc cải thiện năng lực quốc phòng trong năm 2021. Suy cho cùng, Anh, rào cản lớn nhất tới cách tiếp cận này, sắp rời khối.
Đáp án cuối cho Brexit
Brexit sẽ khởi động vào 2021 sau bốn năm tranh cãi. Giới kinh doanh từ lâu đã nhận thức được rằng cuộc sống của họ sẽ thay đổi, nhưng chính người dân Anh giờ đây mới cảm nhận rõ ràng hơn cả tác động của Brexit. Hàng loạt các vấn đề sẽ tiếp tục được thảo luận và tìm đồng thuận.
Năm 2021, EU được dự đoán sẽ tiếp tục khó khăn cả về đối nội và đối ngoại. Các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm hướng đi phù hợp cũng như hợp lực đồng lòng để đưa EU vượt qua những thách thức này./.
Theo Economist