Hàn Quốc ngày 26/12 thông báo triển khai tiêm kích, trực thăng vũ trang và cường kích hạng nhẹ để ứng phó 5 máy bay không người lái (UAV) Triều Tiên xâm nhập không phận, trong đó một chiếc bay tới vùng trời phía bắc thủ đô Seoul. Đây là lần đầu UAV Triều Tiên bay vào vùng trời Hàn Quốc trong 5 năm qua.
Một trực thăng vũ trang Hàn Quốc đã khai hỏa 100 phát đạn pháo về phía UAV, nhưng không chiếc nào bị rơi. Một cường kích hạng nhẹ Hàn Quốc còn gặp sự cố và rơi, trong khi toàn bộ UAV được cho là đã quay về vùng trời Triều Tiên sau 7 giờ hiện diện trên không phận Hàn Quốc.
Dường như lưới phòng không Hàn Quốc đã gặp khó khăn trong việc phát hiện và bám bắt những chiếc UAV hạng nhẹ, cũng như không có đủ năng lực tác chiến điện tử để chế áp kênh truyền dữ liệu và định vị vệ tinh của chúng.
"Phi công Hàn Quốc có thực sự phát hiện được UAV Triều Tiên hay không vẫn là dấu hỏi. Nhìn chung, năng lực ứng phó UAV của lực lượng phòng không Hàn Quốc trong sự việc này là rất đáng lo ngại", Stephen Bryen, nhà nghiên cứu cấp tại tại Trung tâm Chính sách An ninh có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Quân đội Hàn Quốc không cho biết chủng loại UAV được Triều Tiên sử dụng, chỉ cho biết một phi công đã nhìn thấy một phi cơ bằng mắt thường và ước tính nó có chiều dài khoảng 2 mét.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc khẳng định quân đội có thể đối phó "các UAV gây ra mối đe dọa thực sự", ám chỉ phi cơ có kích thước lớn, nhưng thừa nhận năng lực "hạn chế" trong phát hiện và tấn công UAV do thám loại nhỏ.
Bryen cho rằng Hàn Quốc cần sử dụng những radar tiên tiến để ứng phó UAV, nhất là những phi cơ loại nhỏ dùng động cơ điện và chế tạo từ vật liệu nhựa, rất khó bị phát hiện trên radar thông thường.
"Các radar chống UAV thường tập trung vào phát hiện mục tiêu bay chậm ở tầm thấp, vốn có khả năng hoạt động dưới tầm theo dõi của radar phòng không truyền thống. Nhiều hệ thống chống UAV được tích hợp cơ sở dữ liệu mục tiêu, cho phép xác định vật thể nghi vấn là UAV hay chỉ là một đàn chim. Chúng thậm chí có khả năng loại bỏ nhiễu tạp và nhiễu địa vật", ông nói.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của những radar loại này là tầm hoạt động ngắn, khi phần lớn chỉ được tối ưu để phát hiện và bám bắt mục tiêu trong bán kính dưới hai km.
Một số hệ thống chống UAV được trang bị cảm biến quang - điện tử và hồng ngoại, giúp bổ trợ khả năng bám bắt và nhận diện mục tiêu cho radar, cũng như hệ thống chế áp điện tử định hướng để vô hiệu hóa tín hiệu điều khiển máy bay. Một trong số đó là Drone Guard do Israel sản xuất, từng trải qua các đợt thử nghiệm tại thao trường của lục quân Mỹ tại bang Arizona.
"Chưa thể xác định Hàn Quốc có tìm cách chế áp điện tử, hay thậm chí sở hữu thiết bị phù hợp để đối phó UAV Triều Tiên hay không. Tuy nhiên, tất cả đều thấy rằng Triều Tiên có thể triển khai UAV xâm nhập không phận Hàn Quốc và buộc tiêm kích nước này tìm kiếm chúng suốt nhiều giờ. Seoul đã tiêu tốn hàng triệu USD và nhiều tấn nhiên liệu cho các loại chiến đấu cơ mà không mang lại kết quả", Bryen cho hay.
Các chuyên gia cho rằng lưới phòng không của Hàn Quốc hiện nay thiếu trang thiết bị và không được chuẩn bị đầy đủ để đối phó mối đe dọa từ UAV Triều Tiên. Điều này thể hiện qua những lời chỉ trích của Tổng thống Yoon Suk-yeol trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup sáng 27/12.
"Tại sao chúng ta không có sự chuẩn bị nào trước các đợt xâm nhập của UAV Triều Tiên? Nhiều trường hợp đã xảy ra trước đây, ông đã làm gì cho đến lúc này? Ông nói là việc huấn luyện không phù hợp và ông không làm gì sao?", Tổng thống Yoon nói.
Ông Yoon sau đó chủ trì phiên họp nội các và kêu gọi xúc tiến thành lập một đơn vị UAV, cam kết củng cố năng lực giám sát và trinh sát cho quân đội Hàn Quốc.
"Xin lỗi là không đủ. Quân đội Hàn Quốc cần nhanh chóng xác định lỗ hổng và những sai lầm trong sự việc, nhất là khi Triều Tiên hiểu rằng đối phương dễ tổn thương trước các đòn tập kích bằng UAV và chắc chắn sẽ lặp lại hành động tương tự trong tương lai", Bryen cảnh báo.
Nguồn: vnexpress.net