Liên tiếp những cam kết gia tăng viện trợ quân sự
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14-5 đã tới Pháp, chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du châu Âu nhằm thúc giục sự ủng hộ thực chất của các nước phương Tây đối với Ukraine sau hơn một năm xung đột quân sự. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc Pháp hỗ trợ cho Ukraine. Ông Emmanuel Macron đã cam kết chính sách hỗ trợ quân sự và nhân đạo của Pháp dành cho Ukraine, trong đó sẽ cung cấp cho Ukraine hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép, cùng với việc huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng những phương tiện chiến đấu này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đứng trước xe tăng Challenger-2 mà Anh cung cấp cho Ukraine |
Trước khi tới Pháp, ông Volodymyr Zelensky đã lần lượt có các cuộc gặp với Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong các ngày 13 và 14-5 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ về mặt tài chính và quân sự từ hai quốc gia châu Âu này. Đầu tháng 5 này, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã công du một loạt quốc gia Bắc Âu gồm Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan để thúc giục các quốc gia này gia tăng viện trợ, chủ yếu là viện trợ quân sự cho Ukraine. Các chuyến thăm dồn dập tới châu Âu nửa đầu tháng 5 này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị tổ chức cuộc phản công quy mô lớn trên chiến trường trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Phần Lan đầu tháng 5 đã tuyên bố rằng, cuộc phản công “sắp diễn ra”, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov khẳng định: “Chúng tôi đã sẵn sàng”.
Giới quân sự cho biết phía Ukraine đã chuẩn bị cho cuộc phản công từ nhiều tháng nay với sự hỗ trợ về trang thiết bị vũ khí cũng như huấn luyện của chuyên gia quân sự từ các các quốc gia thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, để chuyển từ phòng ngự sang tấn công, quân đội Ukraine có 9 lữ đoàn được trang bị vũ khí, khí tài của phương Tây, gồm 230 xe tăng, 1.550 xe bọc thép được chuyển giao từ các thành viên NATO và quốc gia phương Tây. Ukraine cũng đã thành lập được 8 lữ đoàn tấn công.
Với sự khốc liệt của cuộc xung đột quân sự hiện nay cũng như để mở cuộc phản công, Tổng thống Volodymyr Zelensky đề nghị, các nước thành viên NATO và phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng như tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu hiện đại cùng xe tăng, xe thiết giáp và trọng pháo cùng đạn dược. Trong chuyến công du hàng loạt nước Bắc Âu, mới nhất là 3 quốc gia Đức, Italia và Pháp, ông Volodymyr Zelensky đã nhận được cam kết viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD.
Tuyên bố chung 7 điểm đưa ra trong chặng dừng chân của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Đức, quốc gia này đã đưa ra những cam kết đóng góp quân sự đa dạng và mạnh mẽ chưa từng có cho Ukraine, theo đó cung cấp một loạt hệ thống vũ khí bao gồm các hệ thống vũ khí và tên lửa phòng không chất lượng cao và hiệu quả, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe bọc thép, hệ thống pháo, giám sát trên không và radar phát hiện pháo binh cùng hàng tấn đạn dược cho xe chiến đấu, pháo, đạn phòng không và các loại đạn khác. Trong năm 2023 và sau đó, Đức dự kiến viện trợ tổng cộng hơn 11 tỷ euro cho Ukraine nhằm tiếp tục hỗ trợ quân sự cho quốc gia này.
Là cường quốc đứng đầu NATO, đồng thời ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, Mỹ cũng vừa công bố gói viện trợ quân sự quy mô lớn cho nước này. Mỹ ngày 9-5 vừa qua đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,2 tỷ USD cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không và cung cấp thêm đạn dược cho nước này.
“Cánh cửa” đàm phán dần “hẹp lại”
Điểm nóng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ở châu Âu vốn đã nóng lại càng nóng thêm trước những thông tin về việc cung cấp vũ khí cùng một cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine. Giới chức Nga nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các quốc gia đồng minh NATO và phương Tây rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ khiến cuộc chiến càng thêm kéo dài và khốc liệt. Matxcơva cũng tuyên bố, những đoàn xe chở vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ trở thành “mục tiêu tấn công hợp pháp” của Nga.
“Cánh cửa” xung đột càng “rộng mở” thì “cánh cửa” đàm phán càng “hẹp lại”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi trả lời báo chí ngày 9-5 vừa qua đã cho rằng, các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine hiện chưa thể diễn ra vào thời điểm này. Người đứng đầu tổ chức về hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh này nêu rõ, ông chưa nhận thấy có khả năng đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, hay đàm phán hòa bình vào thời điểm hiện tại do cả Nga và Ukraine đều tin có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Dù vậy, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc duy trì đối thoại với cả hai phía Nga và Ukraine để giải quyết các vấn đề cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và lương thực và phân bón từ Nga qua Biển Đen.
“Ngược dòng” bom đạn vẫn không ngừng rơi trong cuộc xung đột tại Ukraine, vẫn có những đề xuất, sáng kiến tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột khốc liệt, gây rất nhiều thương vong cho cả hai phía này. Trong cuộc điện đàm đầu tiên diễn ra cuối tháng 4 vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông thông báo với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng, Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên của chính phủ nước này về các vấn đề Á-Âu đến thăm Ukraine và các quốc gia khác để tạo mối liên lạc sâu rộng với tất cả các bên nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh với người đồng cấp Ukraine về lập trường của Trung Quốc là thúc đẩy hòa bình thông qua đàm phán.
Điện Kremlin khi được hỏi về cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Ukraine đã khẳng định, Nga hoan nghênh mọi nỗ lực thúc đẩy việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Nga sẵn sàng hoan nghênh bất cứ điều gì có thể giúp chấm dứt xung đột tại Ukraine và đạt được các mục tiêu của
Matxcơva”. Trong một sáng kiến hòa bình được chú ý, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã đưa ra gợi ý về một “G20 chính trị” để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Lula da Silva cho biết ông đã thảo luận về sáng kiến của mình với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo một số quốc gia Nam Mỹ. Nhà lãnh đạo Brazil cũng thảo luận về khả năng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Dù cánh cửa đàm phán chưa khi nào khép lại hoàn toàn, song xem ra đây vẫn là điều còn xa vời vào thời điểm hiện nay. Ngoài việc cả Nga và Ukraine hiện đều tin có thể giành chiến thắng trên chiến trường, khả năng đàm phán còn rất thấp bởi lập trường quá xa nhau giữa hai bên. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia ngày 11-5, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov tuyên bố, nước này sẽ không đàm phán với Nga nếu việc đàm phán không được thực hiện “theo điều kiện của Ukraine”.
Thật khó để nói về một lối thoát cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khi mà cục diện trên chiến trường chưa ngã ngũ như lúc này. Tuy nhiên, dù giằng co như hiện nay hay leo thang thêm thì cuộc xung đột này cũng như bao cuộc chiến tranh và xung đột trước đó chỉ tìm được một giải pháp cơ bản, lâu dài qua đàm phán hòa bình chứ không phải trên chiến trường.
Nguồn: anninhthudo.vn