Triều Tiên ngày 4/10 phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung, được cho là mẫu Hwasong-12, bay qua vùng trời miền bắc Nhật Bản, khiến giới chức nước này phát lệnh sơ tán dân tại hai tỉnh Hokkaido và Aomori. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định tên lửa Triều Tiên bay cao 1.000 km và xa 4.600 km trước khi rơi xuống biển, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận định Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hoàn toàn đủ khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo như mẫu Hwasong-12 bay qua lãnh thổ và họ cũng có quyền làm điều này.
David Shank, cựu đại tá lục quân Mỹ, cho biết hệ thống radar trên không, trên biển, trên bộ và các loại cảm biến khác của Nhật có thể nhanh chóng xác định quỹ đạo và độ cao của tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Các tham số này được xác định "khá nhanh chóng, trong vòng 5 phút đầu tiên" sau vụ phóng và hệ thống sẽ liên tục theo dõi đường đi của tên lửa trên không trung.
Shank nhận định JSDF đã không hành động vì "không có lý do gì để bắn một tên lửa đạn đạo nếu xác định rõ nó đang lao xuống vùng biển Thái Bình Dương". Động thái như vậy có thể khiến căng thẳng với Triều Tiên leo thang không cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cũng giải thích JSDF sử dụng nhiều loại radar khác nhau để xác nhận rằng tên lửa Triều Tiên không có nguy cơ rơi vào lãnh thổ nước này, do đó họ quyết định không đánh chặn.
Theo Shank, Nhật Bản hoàn toàn có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên bằng hai phương án. Họ có thể khai hỏa Tên lửa Tiêu chuẩn 3 (SM-3) hay RIM-161 trên các chiến hạm để tấn công tên lửa đang ở pha giữa, khi nó lấy độ cao. Tên lửa phòng không Patriot biến thể PAC-3 MSE cũng có thể được dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong pha cuối, trước khi đầu đạn hồi quyển với tốc độ rất cao.
SM-3 được coi là phương án hữu hiệu hơn để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung như Hwasong-12, bởi Patriot PAC-3 MSE "có xác suất tiêu diệt mục tiêu rất thấp", Shank nói. PAC-3 MSE phù hợp hơn để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong pha cuối.
Tên lửa đánh chặn SM-3 có thể được Nhật Bản khai hỏa từ hệ thống chiến đấu Aegis trên chiến hạm. Hạm đội trang bị hệ thống Aegis của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) gồm hai khu trục hạm lớp Maya, hai chiếc lớp Atago và 4 chiếc lớp Kogo.
Tuy nhiên, ông Shank cho rằng bất cứ hoạt động đánh chặn cũng có thể "bộc lộ năng lực phòng thủ của Nhật và Mỹ, như khả năng cảnh báo sớm hoặc thời điểm tuần dương hạm hay khu trục hạm với hệ thống Aegis tấn công mục tiêu".
Trong khi đó, nếu vụ đánh chặn không thành công, điều này có thể gây ra lo ngại lớn cho Mỹ, Nhật cùng các đồng minh và đối tác, cũng như tạo động lực cho Triều Tiên trong nỗ lực cải tiến, phát triển các tên lửa ngày càng hiện đại, Shank nhận định.
Ông cũng cho rằng Nhật Bản ngần ngại khai hỏa đầu đạn đánh chặn do lo ngại các mảnh vỡ rơi xuống sau đó có thể gây thiệt hại cho khu vực dân cư hoặc hạ tầng quan trọng trên lãnh thổ.
Thay vì sử dụng biện pháp quân sự, Nhật và Mỹ đã tăng cường phản ứng ngoại giao, chỉ trích Triều Tiên thử tên lửa, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận chung để nâng cao năng lực răn đe.
Nguồn: vnexpress.net