Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ từ 206 đại diện Hạ viện và 2 trong số 250 thượng nghị sĩ. Có 4 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại dự luật, trong khi 10 hạ nghị sĩ và 84 thượng nghị sĩ bỏ phiếu trắng. Ngoài ra, có 9 hạ nghị sĩ và 127 thượng nghị sĩ đã chọn không bỏ phiếu.
Hiến pháp hiện hành yêu cầu một dự luật hiến pháp phải có sự chấp thuận của ít nhất 1/3 (tức 84 thượng nghị sĩ) của Thượng viện.
Trước đó vào tối 17/3, Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai đã yêu cầu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về việc có thông qua dự luật nói trên hay không sau cuộc tranh luận kéo dài 11 giờ.
Động thái này diễn ra sau khi các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ bỏ phiếu với tỷ lệ 473/127 ủng hộ một đề nghị do Phó Chủ tịch đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) lãnh đạo liên minh cầm quyền Paiboon Nititawan đưa ra để yêu cầu Quốc hội tuân theo chương trình nghị sự và bỏ phiếu.
PPRP và khối đối lập do đảng Pheu Thai đứng đầu đã đưa ra các đề xuất sửa đổi Hiến pháp ban hành năm 2017, hướng tới một hiến pháp “dân chủ hơn và ít phức tạp hơn”.
Trước đó, hôm 11/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã thông qua các kiến nghị sửa đổi hiến pháp do các nghị sĩ đệ trình, với điều kiện phải tổ chức 2 cuộc trưng cầu ý dân công khai trên toàn quốc để xem liệu đa số người dân có ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp hay không.
Trong trường hợp người dân ủng hộ sửa đổi hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân thứ nhất, một Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp sẽ được thành lập với nhiệm vụ ban đầu là sửa đổi hiến pháp. Sau đó, cuộc trưng cầu lần hai sẽ được tiến hành để lấy ý kiến về việc thông qua hoặc bác bỏ điều lệ sửa đổi./.
Reuters