Có thể nói, những gì mà cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã làm được cách đây hơn một thế kỷ, cho đến ngày nay giá trị và ý nghĩa của nó không những vẫn vẹn nguyên mà còn tiếp tục được bồi đắp, khẳng định và lan toả.
Với tham vọng duy trì sự thống trị độc tôn của mình, lực lượng tư bản trong và ngoài nước Nga đã không ngừng tìm mọi cách đánh đổ những thành quả của cuộc cách mạng này. Minh chứng đầu tiên là sau khi Cách mạng tháng Mười thành công, giai cấp tư sản trong nước đã cấu kết với quân đội 14 nước đế quốc mở cuộc đấu tranh vũ trang nhằm tiêu diệt nước Nga Xô viết non trẻ trong suốt 3 năm (1918-1920). Từ đó cho đến nay, chủ nghĩa tư bản nói chung và các thế lực thù địch, phản động nói riêng vẫn tìm mọi cách để bôi đen, hạ thấp, thậm chí xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga, trong đó có việc sử dụng những luận điệu công kích vào lý tưởng và sự nghiệp cao cả của cuộc cách mạng, như: Cách mạng tháng Mười Nga là sự vận dụng lệch lạc quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về lý luận cách mạng vô sản; là một thể nghiệm sai lầm chủ nghĩa Mác; là sự chệch hướng của lịch sử; là cuộc cách mạng phi lý, không tưởng; là sự kiện ngẫu nhiên; là một thứ “đẻ non” nên nó “đã chết” (?!). tất cả những lời lẽ đó mà các thế lực gán cho cuộc cách mạng này, rút cuộc cũng chỉ nhằm phủ nhận tính ưu việt của chủnghĩa xã hội, cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, xem chủ nghĩa tư bản là sự phát triển tột cùng của văn minh nhân loại mà không xã hội nào có thể thay thế được và giai cấp tư sản là bất diệt, xã hội tư bản là trường tồn.
Trên thực tế, giá trị và ý nghĩalịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga là không thể phủ nhận:
Thứ nhất, Cách mạng tháng Mười Nga thành công là sự minh chứng cho tính đúng đắn của lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác, đã được V.I.Lênin phát triển trong điều kiện mới, khi chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc thì cuộc cách mạng vô sản hoàn toàn có thể nổ ra và giành thắng lợi ở khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, đây là một cuộc cách mạng nổ ra theo đúng quy luật vận động tự nhiên của xã hội chứ không phải là cuộc cách mạng sai lệch so với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Hơn nữa, với thắng lợi này nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích do V.I.Lênin đứng đầu đã đưa chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý luận trở thành hiện thực.
Thứ hai, Cách mạng tháng Mười Nga giành được thắng lợi là nhờ có một chính Đảng mácxít lãnh đạo, là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt và hội tụ đầy đủ các điều kiện khách quan và chủ quan, chứ không phải là sự ăn may hay là một sự kiện ngẫu nhiên, cũng không phải là “đẻ non”. Nó nổ ra khi chính quyền trong tay Nga hoàng đã trở nên thối nát; quần chúng công nông và những người lao động khác đã bị bóc lột tới mức cùng cực, quẫn bách và không thể sống như cũ được nữa, còn tầng lớp trung gian đã ngả về phía cách mạng; đội tiền phong của giai cấp công nhân đủ năng lực và sẵn sàng lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; Đảng Bôn-sê-vích đã sử dụng linh hoạt các phương pháp đấu tranh cách mạng và xác định đúng thời cơ để giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 07/11/1917.
Thứ ba, Cách mạng tháng Mười thành công có ý nghĩa sâu sắc đối với nước Nga, đã mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc với một kỷ nguyên mới: giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc ở Nga hoàn toàn được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột, trở thành những chủ nhân của đất nước và làm chủ được vận mệnh của mình, xây dựng nên một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa với mục tiêu cao cả là đem đến tự do, hạnh phúc và công bằng cho mọi người lao động.
Thứ tư, Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với đất nước Nga mà còn tác động vô cùng mạnh mẽ, làm “rung chuyển” toàn thế giới, “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu sắc như thế”[1], nó đã làm trỗi dậy các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khắp năm châu, làm cho cục diện thế giới thay đổi và mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại - thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy, vào những năm đầu của thế kỷ XX, Cách mạng tháng Mười Nga đã hiện thực hoá ước mơ ngàn đời của quần chúng bị đoạ đày đau khổ về cuộc sống tốt đẹp hơn, với một xã hội mới công bằng và văn minh. Đây thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chịu những tổn thất nặng nề và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, sự sụp đổ đó, tuyệt nhiên không thể đổ lỗi cho Cách mạng tháng Mười; đó cũng không phải là sự tiêu vong của chủ nghĩa xã hội và không được suy diễn, quy chụp rằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm... Thành quả của cuộc cách mạng có thể không giữ được, nhưng Cách mạng tháng Mười vẫn mãi là mốc son chói lọi đánh dấu sự phát triển mới của nhân loại, đó là biểu tượng,là niềm tin cổ vũ cho tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Sức sống của cuộc cách mạng đó mãi mãi đi cùng năm tháng, cho nên, mọi luận điệu nhằm xuyên tạc, phủ nhận hay hạ thấp giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga đều không thể chấp nhận được.
[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t15, tr.387.
Bùi Thị Nhung