Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/2, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho rằng Nga đang có kế hoạch "dùng người đã được huấn luyện quân sự đóng giả dân thường để kích động bạo lực, tấn công các tòa nhà chính quyền và bắt con tin". Theo bà, kế hoạch này có sự tham gia của công dân Nga, Montenegro, Belarus và Serbia.
Bà Sandu cáo buộc những kẻ phá hoại muốn "lật đổ trật tự hiến pháp" dưới vỏ bọc biểu tình của phe đối lập, nhằm thay thế chính quyền hiện nay bằng một chính quyền thân Nga.
Theo bà, kế hoạch lật đổ chính quyền Moldova được tiến hành nhằm ngăn quốc gia này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và sử dụng lãnh thổ Moldova cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cáo buộc này.
"Nỗ lực của Điện Kremlin nhằm mang bạo lực đến Moldova sẽ không có tác dụng. Mục đích của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho công dân và quốc gia, là hòa bình và trật tự công cộng trong nước", Tổng thống Moldova cho biết thêm.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói các thông tin trên chưa được xác thực, nhưng vẫn bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và cho rằng điều đó "không nằm ngoài phạm vi hành động của Nga".
Nga chưa bình luận về thông tin.
Tổng thống Sandu đưa ra bình luận sau khi người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước nói Kiev phát hiện một kế hoạch tình báo của Moskva "nhằm hủy diệt Moldova". Các cơ quan tình báo Moldova sau đó xác nhận điều này.
Vài ngày sau, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita thông báo từ chức sau 18 tháng cầm quyền, chính phủ của bà cũng sụp đổ. Tổng thống Sandu đã đề cử cố vấn quốc phòng Dorin Recean làm thủ tướng, nhưng chưa rõ quốc hội Moldova sẽ phê chuẩn Recean vào thời điểm nào.
Bà Sandu nhiều lần bày tỏ lo ngại về tính toán của Nga với Moldova, quốc gia từng thuộc Liên Xô, và sự hiện diện của binh sĩ Nga tại vùng ly khai Transnistria.
Transnistria là vùng đất đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại Transnistria từ năm 1993.
Nga năm ngoái bác cáo buộc muốn can thiệp vào Moldova, sau khi chính quyền Transnistria nói họ bị tấn công. Nga từng lên tiếng cảnh báo về việc Moldova tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác phương Tây.
Moldova có dân số gần 2,6 triệu người, giáp với Romania về phía tây và Ukraine ở phía bắc, đông và nam. Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi bà Gavrilita nhậm chức thủ tướng và ủng hộ nước này gia nhập EU. Mối quan hệ song phương xấu thêm từ lúc Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022.
Nguồn: vnexpress.net