"Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tôi tổ chức ở Trại David và tôi không thể nghĩ ra địa điểm nào phù hợp hơn để bắt đầu kỷ nguyên hợp tác mới", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/8 nói trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại khu nghỉ dưỡng ở bang Maryland.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên này được các trợ lý Nhà Trắng mô tả là kết quả của nỗ lực suốt hai năm để giúp hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn sau nhiều thập kỷ băng giá. Sự kiện cũng đánh dấu khởi đầu cho điều mà Nhà Trắng hy vọng về hợp tác ba bên lâu dài nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về an ninh và kinh tế, cũng như mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ba lãnh đạo đã đưa ra "cam kết tham vấn", nhất trí rằng ba nước sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra phản ứng chung với mối đe dọa an ninh với bất cứ quốc gia nào. Thỏa thuận này nhằm đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, song các quan chức ba nước đảm bảo đây không phải là hiệp ước phòng thủ tập thể giống như Điều 5 của NATO.
Một số kết quả khác gồm thỏa thuận tổ chức các cuộc họp thường niên của lãnh đạo ba nước, tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo và thiết lập đường dây nóng mới để giúp chính phủ ba bên liên lạc trong tình huống khẩn cấp.
Về an ninh kinh tế, ba lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu với hệ thống "cảnh báo sớm" để ngăn tình trạng thiếu hụt công nghệ quan trọng.
Ba nước cũng cam kết chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, tăng cường an ninh mạng, cũng như thúc hợp tác hỗ trợ phát triển cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Victor Cha, giáo sư Đại học Georgetown và từng là trợ lý về Đông Á dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, cho biết những cam kết mới khiến quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn "tương đương liên minh quân sự ba bên mới". Ông nói ba nước sẽ không gọi mối quan hệ này như vậy, "nhưng bản chất của nó là như vậy".
Giới quan sát thêm rằng tuyên bố chung của ba nước cũng chỉ trích những "hành vi nguy hiểm" của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải, và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hàn Quốc trước đây thường ngần ngại chỉ trích công khai Trung Quốc, song trong nhiệm kỳ của ông Yoon, Seoul đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn và sẵn sàng lên tiếng trước các hành động của Bắc Kinh, theo Christopher Johnstone, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Mỹ.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn cũng nỗ lực tránh ý tưởng cho rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên được tổ chức để nhắm vào Trung Quốc, mà hướng tới mục tiêu giúp khu vực thêm ổn định và thịnh vượng.
"Hội nghị thượng đỉnh này không phải về Trung Quốc. Đây không phải mục đích của cuộc họp. Sự kiện tập trung vào mối quan hệ của chúng tôi", ông Biden nói.
Thủ tướng Nhật Kishida gọi cam kết ở Trại David, trong đó khẳng định mục đích của hợp tác là thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, là "bước ngoặt lịch sử" và "la bàn mới cho hợp tác ba bên".
Tổng thống Hàn Quốc nói "điều quan trọng nhất ở đây không phải lợi ích riêng của chúng tôi. Chúng tôi có thể đóng góp cho sự tiến bộ, tự do và hòa bình trên thế giới. Đó mới chính xác là mục tiêu mà quan hệ hợp tác của chúng tôi hướng tới".
Hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ lâu. Ông Biden ngay từ khi nhậm chức đầu năm 2021 đã xác định cần cải thiện quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản, cũng như cho rằng quan hệ đối tác ba bên sẽ trở thành "xương sống của liên minh" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo giới chức Mỹ.
Hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản là một phần quan trọng trong mạng lưới quan hệ đa phương mà chính quyền ông Biden đang phát triển, nhằm duy trì cái mà Mỹ và đồng minh gọi là "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Tuy nhiên, nỗ lực này vấp phải nhiều trở ngại, khi Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn bất đồng về các vấn đề lịch sử liên quan đến cáo buộc "lao động cưỡng bức" trong thời kỳ Thế chiến II.
Căng thẳng từng dâng cao đến mức Nhật Bản hồi tháng 7/2019 áp hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Seoul cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử, cũng như siết chặt về thương mại khi xóa tên Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại. Hàn Quốc đáp trả bằng cách quyết định chấm dứt Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) một tháng sau đó, bất chấp phản đối từ Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có nhiều động thái để hàn gắn quan hệ. Lãnh đạo hai nước hồi tháng 3 tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên sau 12 năm, nhất trí nối lại các chuyến thăm cấp cao cũng như thỏa thuận CSOMIA.
Đây được coi là tiền đề để Tổng thống Biden xúc tiến hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Trại David, nhằm bổ sung chất keo gắn kết lâu dài cho quan hệ vừa được hàn gắn giữa hai đồng minh thân cận nhất tại Đông Á.
Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại địa điểm mang tính biểu tượng. Trại David là nơi ghi dấu hiệp định hòa bình lịch sử năm 1978 giữa Israel và Ai Cập. Ông Biden muốn Seoul và Tokyo vượt qua nhiều thập kỷ rạn nứt để hướng tới tình bạn mới và cùng nhau chống lại những đối thủ cạnh tranh chung như Trung Quốc, Triều Tiên.
Bắc Kinh từ lâu chỉ trích nỗ lực tập hợp đồng minh và đối tác của chính quyền Tổng thống Biden. Họ gọi hội nghị thượng đỉnh ngày 18/8 và các sáng kiến đa phương giữa Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc là động thái tạo ra "NATO thu nhỏ" hay "NATO ở châu Á".
"Không quốc gia nào tìm kiếm an ninh của riêng mình bằng cách đánh đổi lợi ích an ninh của nước khác và hòa bình ổn định của khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 18/8 nói, thêm rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nên bị "biến thành sân chơi cạnh tranh địa chính trị".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong buổi họp báo ở Trại David cùng ngày bác bỏ khái niệm về "NATO thu nhỏ". Ông nói quan hệ đối tác ba bên này của Mỹ "rõ ràng không phải là xây dựng NATO ở Thái Bình Dương".
Trong hai năm qua, Mỹ đã tăng cường xây dựng liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng cấp quan hệ đối tác của Bộ Tứ với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Washington cũng nhất trí thỏa thuận AUKUS với Anh và Australia để cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Canberra.
Mỹ cũng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Philippines, đồng thời cùng Hàn Quốc thiết lập khung tham vấn về kế hoạch ứng phó nguy cơ Triều Tiên tấn công hạt nhân.
Nhật Bản đã từ chối tham gia nhóm tư vấn hạt nhân do ông Biden và ông Yoon thiết lập. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề sau cánh cửa phòng họp. Trong cuộc họp báo chung hôm 18/8, cả ba lãnh đạo đã thể hiện lập trường thống nhất.
Hội nghị thượng đỉnh đã "đưa ra thông điệp và ấn tượng mạnh mẽ rằng Mỹ có những người bạn rất có năng lực", Rob Rapson, nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu và là người từng tham gia nhiều chuyến công du ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nói.
Hội nghị thượng đỉnh và tuyên bố chung "thực sự mang tính lịch sử", theo Yuki Tatsumi, đồng giám đốc Chương trình Đông Á ở Trung tâm Stimson.
"Nó cho thấy sự quyết tâm của ba lãnh đạo về nâng tầm mối quan hệ đối tác này thành mỏ neo cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như khiến những người kế nhiệm khó có thể đảo ngược các cam kết", Tatsumi nói.
Ông Biden khẳng định rằng những cam kết mà ba lãnh đạo đã đạt được sẽ đứng vững trước thử thách thời gian. "Nó sẽ kéo dài suốt nhiều thập kỷ", ông nhấn mạnh.
Nguồn: vnexpress.net