Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez. Ảnh: GETTY
Chưa có tiền lệ
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cùng với thành viên cấp cao trong Ủy ban là Thượng nghị sĩ Jim Risch, cho biết, nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện để xem xét. Đây là một dự luật toàn diện về Trung Quốc, nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ông Bob Menendez cho rằng đây là nỗ lực “chưa có tiền lệ” của lưỡng đảng nhằm huy động mọi công cụ ngoại giao, kinh tế và chiến lược để hỗ trợ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược này giúp Mỹ ứng phó các thách thức mà Trung Quốc gây ra đối với “an ninh quốc gia và an ninh kinh tế” của Mỹ.
Dự luật có điều khoản sẽ giới hạn trợ giúp các nước sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi đặt các thiết bị, cơ sở quân sự của Trung Quốc. Điều khoản này cũng khẳng định Bắc Kinh dùng sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng tầm vươn quân sự của mình. Dự luật cũng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào năm 2016.
Đó là bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo ở Biển Đông, coi yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp. Liên quan đến các mối đe dọa trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, dự luật kêu gọi mở rộng quy mô của Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) nhằm giám sát mối quan hệ giữa các thể chế giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bên cạnh đó, dự luật đề ra khoản đầu tư lớn về tài chính để khởi dựng các sáng kiến nhằm giúp Mỹ thành công trong cạnh tranh công nghệ, kinh tế, quân sự, ý thức hệ trước Trung Quốc trong dài hạn. Theo giới quan sát, nếu được thông qua, dự luật mới sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới các đồng minh và đối tác của Mỹ, rằng nước Mỹ có sự thống nhất quan điểm trong cách tiếp cận, không hề có sự phân chia đảng phái trước các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Sau vài năm căng thẳng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung vẫn không thay đổi sau khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng. Chủ trương của chính phủ mới là đẩy mạnh các kế hoạch hợp tác cùng các đồng minh để đối phó Trung Quốc, đặc biệt là tạo liên kết chặt chẽ với 3 quốc gia còn lại trong nhóm Bộ tứ là Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.
Đối thủ cạnh tranh ngang hàng
Thông tin bỏ phiếu về dự luật trên được công bố vào thời điểm Văn phòng giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) đưa ra báo cáo thường niên mới, trong đó nêu Trung Quốc là quốc gia có mối đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia do kế hoạch đẩy mạnh sức mạnh toàn cầu của nước này. Báo cáo có tên “Đánh giá mối đe dọa thường niên của cộng đồng tình báo Mỹ năm 2021” cho rằng Trung Quốc đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng, thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế quân sự và công nghệ. Họ đang cố gắng thay đổi các tiêu chuẩn toàn cầu.
Báo cáo cảnh báo các nỗ lực của Bắc Kinh có thể đạt được sự thay đổi địa chính trị quan trọng, gồm tăng cường các hoạt động hải quân và không quân ở châu Á nhằm có được sự kiểm soát tại các khu vực tranh chấp. Trung Quốc ngày càng kết hợp sức mạnh quân sự đang tăng lên với ảnh hưởng kinh tế, công nghệ và ngoại giao, để có được những gì mà họ xem là lãnh thổ của mình và duy trì thế vượt trội trong khu vực, đồng thời theo đuổi hợp tác quốc tế, gây bất lợi cho Mỹ. Báo cáo dự đoán tình hình sẽ căng thẳng thêm tại Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục có những động thái gây căng thẳng với các nước trong khu vực.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận lời mời phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 28-4. Đây được xem là sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Joe Biden lên nắm quyền, trong bối cảnh ông phải đương đầu với những vấn đề cấp thiết, trong đó có đại dịch Covid-19 và những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra. |
Nguồn: https://www.sggp.org.vn