Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS Nimitz trong cuộc tập trận với tàu sân bay USS Ronald Reagan để đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc khiêu khích, gây hấn ở Biển Đông
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany mới đây xác nhận thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị “những động thái mới” trong tuần này nhằm chống lại Trung Quốc, song không tiết lộ thông tin cụ thể. Tuyên bố này được đưa ra ngay khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khẳng định, Washington sẽ “tiến hành các biện pháp đáp trả bổ sung” nhằm vào Bắc Kinh trong những ngày sắp tới.
Hãng tin Bloomberg ngày 10-7 dẫn hai nguồn tin tiết lộ, chính quyền Tổng thống Donald Trump kế hoạch trong tuần này đưa ra tuyên bố liên quan tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc có nhiều hoạt động gây quan ngại tại vùng biển chiến lược này. Trong đó, có một nguồn tin cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nêu quan điểm cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép là “phi pháp” và Mỹ sẽ nêu lập trường chính thức của mình trong tuần này.
Những thông tin trên đây cho thấy Mỹ đánh giá ngày càng nghiêm trọng về mức độ quân sự hóa ở Biển Đông cũng như tác động của điều này tới vị thế của Mỹ ở Biển Đông cũng như lợi ích chiến lược lâu dài của Washington tại đây. Một nhóm 14 nhà lập pháp Mỹ, dẫn đầu là nghị sĩ Jared Golden, đã đệ trình “Dự luật Ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng Covid-19” để yêu cầu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) xác định, phân tích và ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc lợi dụng đại dịch Covid-19 để đạt được lợi ích quốc gia của nước này.
Bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành tại khu vực cũng như toàn thế giới, Trung Quốc từ đầu năm tới nay đã liên tiếp tổ chức các quốc tập trận hải quân quy mô lớn ở Biển Đông khiến tình hình vùng biển chiến lược này đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng, gây lo ngại sâu sắc không chỉ tại khu vực và trên cả thế giới. Đáng chú ý, vào cuối tháng 3-2020, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quy mô chống tàu ngầm ở Biển Đông.
Chỉ sau đó một thời gian ngắn, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5-2020, nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã tiến hành liên tiếp hai cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Các cuộc tập trận này được giới chuyên gia quân sự đánh giá có quy mô lớn với sự phối hợp của ba lực lượng gồm máy bay chiến đấu J-15, tàu sân bay và tàu ngầm nhằm giám sát Biển Đông.
Mới đây nhất, hải quân Trung Quốc đã tiến hành thêm một cuộc tập trận quy mô lớn từ ngày 1 đến ngày 5-7 tại khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu đổ bộ cũng như các tàu hải cảnh - lực lượng được Trung Quốc dốc tiền của để đầu tư mạnh thời gian qua.
Việc Trung Quốc không chỉ liên tiếp tiến hành tập trận dày đặc với quy mô lớn mà còn tập trận với đủ các hình thái tác chiến từ tác chiến đổ bộ, phòng không, tấn công - chống tàu ngầm và đặc biệt là biên đội tác chiến tàu sân bay. Điều này khiến, Ngọai trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tuyên bố đưa ra ngày 3-7 vừa qua đã nhấn mạnh rằng, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông “mang tính khiêu khích cao”. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ vì thế một lần nữa khẳng định, Washington phản đối những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế cùng chung tiếng nói
Trung Quốc một khi thông qua sức mạnh súng đạn thiết lập được một vị thế, “trật tự” mới ở Biển Đông sẽ tạo mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không, an ninh và ổn định cũng như chủ quyền hợp pháp của các quốc gia hay lợi ích chiến lược của các bên liên quan ở Biển Đông. Trong đó, vị thế và lợi ích của Mỹ - quốc gia từng nhiều lần tuyên bố là quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và gắn bó lợi ích chiến lược sống còn với khu vực này - chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Mỹ không thể ngồi yên khi thấy vai trò, ảnh hưởng và nhất là lợi ích chiến lược ở Tây Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, bị Trung Quốc ngày một lấn lướt, đe dọa. Tới nay, chính quyền Mỹ chưa bao giờ công nhận các yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên triển khai các chiến hạm đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của vùng biển này. Thế nhưng, việc điều hai biên đội tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz, Washington rõ ràng muốn phát đi thông điệp rằng, Mỹ không để cho Trung Quốc mặc sức tung hoành ở khu vực này. Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố thẳng thừng trên mạng xã hội Twitter: “Trung Quốc không được phép hành xử trên Biển Đông như là đế chế hàng hải của họ”.
Giới phân tích cho rằng, việc triển khai cùng lúc hai biên đội tác chiến tàu sân bay hiện đại tới Biển Đông để đáp trả cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc nhằm thể hiện cam kết của Mỹ bảo vệ quyền của mọi quốc gia tự do lưu thông trên không, trên biển, tự do hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Trong thông điệp được cho là nhằm vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Chuẩn đô đốc James Kirk (chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 11, dẫn đầu là tàu sân bay USS Nimitz) nêu rõ, cuộc tập trận góp phần cải thiện năng lực phòng không và mở rộng phạm vi hoạt động để đối phó những ai thách thức sự ổn định của khu vực.
Trong khi đó, Chuẩn đô đốc George Wikoff (chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, dẫn đầu là tàu sân bay USS Ronald Reagan) cho biết cuộc tập trận mô phỏng các kịch bản huấn luyện phức tạp, từ đó nâng cao năng lực chiến đấu trên biển nói chung nhằm nêu bật cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh tại khu vực. Chuẩn đô đốc George Wikoff nhấn mạnh: “Mục đích của cuộc tập trận là bắn một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác và các đồng minh của chúng tôi rằng Mỹ vẫn cam kết bảo vệ an ninh và ổn định khu vực”.
Không chỉ hành động mạnh mẽ như một sự khẳng định rằng không để Trung Quốc “một mình một chợ” mặc sức “diễu võ giương oai” ở Biển Đông, Mỹ còn phối hợp với các đồng minh quan trọng trong khu vực để răn đe. Chỉ một ngày trước cuộc tập trận với tàu sân bay USS Nimitz, tàu sân bay USS Ronald Reagan ngày 7-7 đã cùng với 2 tàu huấn luyện JS Kashima, JS Shimayuki của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có cuộc diễn tập chung ở Biển Đông.
Phối hợp với diễn biến trên, cùng ngày 7-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng hai người đồng cấp Kono Taro (Nhật Bản) và Linda Reynolds (Australia) đã ra tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến, theo đó tuyên bố phản đối dùng vũ lực hoặc sự cưỡng ép để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Tuyên bố chung Mỹ - Nhật Bản - Australia này còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về những sự cố gần đây, trong đó có việc tiếp tục quân sự hóa tại các thực thể, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm, cùng những nỗ lực nhằm cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác ở Biển Đông.
Nguồn: anninhthudo.com.vn