Thủ tướng Iraq Mustafa Al Kadhimi và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm thứ Hai. (Nguồn: AP) |
Sau khi đơn phương quyết định rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden thoả thuận với chính phủ Iraq về rút binh lính Mỹ ra khỏi Iraq. Theo thoả thuận này, Mỹ chấm dứt tham chiến trực tiếp trên lãnh thổ Iraq và chỉ còn một số cố vấn ở bên chính phủ Iraq.
Trên danh nghĩa chính thức có thể nói ông Biden kết thúc hai cuộc chiến tranh của Mỹ mà người tiền nhiệm xa là ông George W. Bush đã phát động ở Afghanistan năm 2001 và ở Iraq năm 2003.
Ông Biden làm được điều mà những người tiền nhiệm không làm được là rút hết binh lính Mỹ ra khỏi hai nơi xa nước Mỹ này.
Với thoả thuận này, chính phủ Iraq làm Iran hài lòng nhưng cũng vẫn chủ ý giữ thể diện cho Mỹ và nhượng bộ để tranh thủ Mỹ để vẫn được Mỹ tiếp tục trợ giúp trên các lĩnh vực ngoài quân sự.
Quân đội Mỹ rút khỏi Iraq giúp chính phủ Iraq bớt khó xử với Iran và ngăn ngừa tình trạng hai cựu thù kia của nhau biến lãnh thổ Iraq thành chiến địa đối địch của họ với nhau.
Mỹ kết thúc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq nhưng không có nghĩa là Mỹ buông bỏ hoàn toàn cuộc chơi lợi ích địa chiến lược ở hai nơi này. Không còn tham chiến trên bộ nữa nhưng Mỹ luôn có thể lại can thiệp quân sự trực tiếp vào diễn biến tình hình ở cả hai nơi kia bằng không kích từ xa hoặc bằng máy bay vũ trang không người lái.
Đương nhiên là Mỹ triệt thoái quân đội sẽ đưa lại hệ luỵ là hình thành khoảng trống về an ninh và về quyền lực, ảnh hưởng quốc tế nói chung ở Afghanistan và Iraq.
Nhưng không phải đối tác bên ngoài nào cũng đều có thể dễ dàng bù lấp khoảng trống đó và sẽ không có chuyện Mỹ rồi đây để cho đối tác bên ngoài thoải mái và tuỳ hứng gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị cũng như an ninh ở cả Afghanistan lẫn Iraq.
Ở cả hai nơi này, Mỹ ngừng chiến nhưng sẽ tiếp tục cuộc chơi theo kiểu chơi khác.
Nguồn: baoquocte.vn