Khung hiệp định 3 bên được Bộ trưởng Ngoại giao UAE Anwar Gargash công bố hôm 13-8 và chính quyền Tổng thống Donald Trump hậu thuẫn có đề cập tới kế hoạch xây dựng một liên minh an ninh hàng hải.
Một khi được triển khai, bộ khung này sẽ thiết lập một "tam giác chiến lược", chủ yếu nhằm chống lại các mối đe dọa của Iran đối với các hoạt động hàng hải đi qua hai điểm của khu vực là eo biển Hormuz và eo biển Bab El-Mandeb giữa Yemen và vùng Sừng châu Phi, trên đường từ Ấn Độ Dương đến kênh đào Suez.
Tổng thống Donald Trump thông báo thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE. Ảnh: AP
Cùng với eo biển Malacca, các vùng biển này tạo thành 3 tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất đối với lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã mô tả việc tiếp cận không bị cản trở vào 3 tuyến đường thủy này là "vấn đề sống còn" đối với nền kinh tế nước này.
Ông Samuel Ramani, nhà bình luận về các vấn đề Trung Đông kiêm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Oxford (Anh), cho biết: "Thỏa thuận Israel - UAE một phần nhằm chính thức hóa hợp tác về an ninh hàng hải và chống lại các mối đe dọa đối với các tuyến hàng hải quan trọng. Còn quá sớm để xem điều này diễn ra như thế nào nhưng đã xuất hiện những lo ngại từ Bắc Kinh về ý nghĩa của hiệp định đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Bà Kelsey Broderick, nhà phân tích Trung Quốc của Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị có trụ sở tại New York - Mỹ, cho biết: "Tất cả các bên có thể hiểu rằng Mỹ đang hứa hẹn hợp tác kinh tế 3 bên đểkiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như phía Mỹ không yêu cầu Israel và UAE thực thi các biện pháp cụ thể đối đầu Trung Quốc như một phần của thỏa thuận".
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của cả UAE và Israel. Các cảng tại UAE trung chuyển khoảng 60% tổng sản lượng kim ngạch thương mại hàng hải về hướng Tây của Trung Quốc và UAE chiếm 28% kim ngạch thương mại phi dầu mỏ của Trung Quốc tại Trung Đông. UAE cũng là nguồn cung dầu chính cho nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc tăng gần gấp 4 lần từ năm 2009 đến 2018, đạt 4,79 tỉ USD. Nhập khẩu của nước này tăng hơn gấp đôi lên 10,46 tỉ USD vào năm 2018, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Israel chỉ sau Mỹ.
Cảng Haifa ở Israel. Ảnh: SCMP
Nhằm gây trở ngại hơn nữa đối với BRI của Trung Quốc, Mỹ trước hết phải thuyết phục Israel và UAE từ chối quyền tiếp cận hoạt động xuất khẩu của công ty Trung Quốc thông qua các dịch vụ vận tải biển mà hai nước sẽ sớm được thiết lập. Kịch bản này được cho là không mấy khả thi.
Trong bất kỳ trường hợp nào, các hoạt động thương mại giữa Israel với UAE đều diễn ra tại cảng container do Trung Quốc điều hành ở Haifa.Theo hợp đồng thuê 25 năm được ký hồi năm ngoái, Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ bắt đầu triển khai hoạt động vào năm tới tại bến cảng container mới mà công ty đang phát triển tại cảng thương mại duy nhất của Israel là Haifa.
Bất chấp những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Trung Quốc có thể sử dụng cảng này để do thám Hải quân Mỹ, lực lượng thường xuyên đến cảng, phía Israel đã bác bỏ yêu cầu của ngoại trưởng Mỹ về việc hủy hợp đồng thuê Haifa của Trung Quốc.
Ông Alan Abbey, chuyên gia tại Viện Shalom Hartman ở Jerusalem, nhận định: "Cả Israel và UAE đều đang đối mặt với nhiệm vụ đầy khó khăn khi phải cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc leo thang căng thẳng mỗi ngày. Đây là một thách thức lâu dài mà cả hai quốc gia phải đối mặt".
Nguồn: nld.com.vn