Đó là việc Giám đốc Tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu trở về nước, tâm thế nối lại thương mại Mỹ-Trung của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, điện đàm giữa hai nguyên thủ và cuộc hội đàm giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Cả 2 phía Mỹ-Trung đều có ý muốn cải thiện quan hệ. (Nguồn: CNBC) |
Xét từ kinh nghiệm lịch sử, trong thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ, các ứng cử viên sẽ có một số phát ngôn chỉ trích, thậm chí cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, song muộn nhất là 18 tháng sau khi tổng thống mới lên cầm quyền, quan hệ hai nước sẽ trở lại trạng thái bình thường, thậm chí tích cực hơn.
Do ông Joe Biden luôn có lập trường tương đối ôn hòa, nên các nhà quan sát từng kỳ vọng thời kỳ thăm dò của hai nước sẽ rút ngắn.
Tuy nhiên, thực tế ngược lại, sau khi ông Biden lên cầm quyền, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác định quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ cấu trúc 3 chiều đối đầu, cạnh tranh và hợp tác: Đối đầu trên những lĩnh vực cần đối đầu, cạnh tranh trên những lĩnh vực cần cạnh tranh, hợp tác trên những lĩnh vực cần hợp tác.
Dưới nhịp điệu đó, khi ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đến Alaska tham dự hội đàm, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức có liên quan của Trung Quốc có liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), khiến cho không khí hội đàm Alaska căng thẳng và kéo dài thời gian “rã băng” quan hệ song phương.
Tuy nhiên, hai bên vẫn có mong muốn cải thiện quan hệ.
Chuyến đi Thiên Tân của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, đặc biệt là chuyến thăm của Đặc phái viên về vấn đề khí hậu John Kerry đã nhận được phản ứng thân thiện của Trung Quốc.
Sau khi ông Tần Cương đến Mỹ đảm nhận trọng trách đại sứ cũng đã tích cực tham gia nhiều hoạt động và hội nghị trực tuyến, thúc đẩy phát triển quan hệ Mỹ-Trung.
Khi đề cập quan hệ Mỹ-Trung, ông Tần Cương nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường kết nối đối thoại với các giới của Mỹ. Khi hai nước đang trong quá trình thăm dò, tìm kiếm con đường hòa hợp mới, ông sẽ nỗ lực để cho sự tương tác này trở nên ổn định hơn và ít xung khắc hơn.
Có thể thấy, những dấu hiệu tan băng gần đây là kết quả ban đầu của sự thăm dò này.
Trong ngắn hạn, lĩnh vực hai bên có thể tương tác bằng phương thức tích cực hơn là thương mại.
Bà Katherine Tai đưa ra bốn phương hướng điều chỉnh chính sách thương mại đối với Trung Quốc: Một là thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1; hai là trợ cấp chính phủ và chính sách công nghiệp, Mỹ cho rằng không phù hợp với thương mại tự do; ba là những vấn đề dẫn đến áp thuế bổ sung; bốn là xây dựng quy tắc thương mại công bằng.
Đương nhiên, đây là những vấn đề do Mỹ đơn phương đưa ra. Trung Quốc có lập trường, lợi ích và yêu cầu riêng của mình.
Nói một cách tương đối, nhận thức và lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden về phương diện thương mại có sự khác biệt khá lớn so với cựu Tổng thống Donald Trump.
Bà Katherine Tai nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng Mỹ không muốn gây ra căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Trong nền kinh tế toàn cầu, việc Mỹ và Trung Quốc cắt đứt thương mại là vấn đề không thực tế, đồng thời cho rằng hai bền cần tái tương tác.
Đây là tín hiệu tương đối tích cực, hai bên có triển vọng đạt được thành quả khả quan trong lĩnh vực này, và Trung Quốc cần nắm chắc cơ hội này.
Trung Quốc có thể thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mua nông sản của Mỹ và các lĩnh vực khác có lợi cho việc tăng cường việc làm và quyền lợi của lao động Mỹ, đưa ra một số thu xếp và nhượng bộ, hỗ trợ và phối hợp ở mức độ nhất định đối với chương trình khởi động xây dựng cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Trung Quốc cũng có thể tìm cách xóa bỏ thuế quan bổ sung, tiến hành một số giao dịch quyền sở hữu trí tuệ trên các lĩnh vực không liên quan đến an ninh quốc gia, đưa ra một số thu xếp về phương diện mở cửa đầu tư, cũng như nội dung không thể thiếu trong các đơn hàng là mua một số máy bay Boeing.
Đây là lĩnh vực có thể hợp tác cùng thắng, Mỹ nên giảm nhẹ định nghĩa “cạnh tranh”, cơ hội việc làm có trong tăng cường thương mại, chứ không phải hạn chế thương mại, trừng phạt thương mại.
Nguồn: baoquocte.vn