Công hàm của New Zealand gửi LHQ về vấn đề Biển Đông. |
Mở đầu công hàm, New Zealand nêu rõ, nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và công hàm của nước này không phải là phản hồi đối với công hàm của Malaysia được đưa trước đó.
Theo công hàm, New Zealand đưa ra lập trường của mình đối với một số khía cạnh của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) liên quan đến Biển Đông.
Công hàm của New Zealand nhấn mạnh tính phổ quát và thống nhất của UNCLOS trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý cuối cùng để thực hiện mọi hoạt động trên biển và đại dương. Việc thiết lập các vùng biển phải được thực hiện theo UNCLOS.
Quy định của UNCLOS bảo vệ rõ ràng quyền tự do trên biển cả, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như quyền tự do đi lại không gây hại trong lãnh hải. Các quyền tự do này áp dụng cho tất cả các quốc gia và cho mọi khu vực trên thế giới.
Viện dẫn những quy định trên, New Zealand nhấn mạnh, như đã được khẳng định trong phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 (PCA), không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia áp đặt yêu sách "quyền lịch sử" đối với các khu vực hàng hải ở Biển Đông.
Công hàm khẳng định: "Không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia ven biển tuyên bố quy chế quần đảo".
UNCLOS quy định rằng, các quốc gia quần đảo phải bao gồm toàn bộ một hoặc nhiều quần đảo, do đó, "không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở quần đảo hay đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo ở Biển Đông".
Đối với quy chế về các đảo, New Zealand trích dẫn UNCLOS quy định rằng, đá không thể duy trì "sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng" thì không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
"Đối tượng địa lý hàng hải dù là đá hay đảo hay thực thế nửa chìm nửa nổi sẽ phụ thuộc vào hình thành tự nhiên để được phân định. Không thể thay đổi phân định này thông qua các hoạt động xây dựng đất đai hoặc các biện pháp cải tạo nhân tạo khác".
Công hàm của New Zealand cũng tái khẳng định quy định của UNCLOS rằng, thực thể nửa chìm nửa nổi nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển không thể tạo nên các vùng biển. Tương tự, các thực thể chìm không làm phát sinh bất kỳ quyền lợi nào. Các thực thể này không phải là đối tượng của các yêu sách chủ quyền cũng như các hành động chiếm giữ.
Phái đoàn thường trực của New Zealand đề nghị LHQ chuyển công hàm đến các quốc gia thành viên UNCLOS và tất cả các quốc gia thành viên LHQ, đồng thời nhấn mạnh, phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 là cuối cùng và ràng buộc với các bên.
Nguồn: baoquocte.vn