Trong cuộc chiến không tiếng súng này, Nga dường như đang chịu thiệt hại nhiều hơn, với nền kinh tế được dự đoán sụt giảm mạnh trong năm nay, chi phí sinh hoạt tăng vọt và hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã rút khỏi Nga.
Nhưng Mỹ và châu Âu cũng đang phải gánh chịu cú sốc nghiêm trọng, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là trong mùa đông sắp tới. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khi các ngân hàng trung ương phản ứng với áp lực lạm phát bằng cách nâng lãi suất.
Giới quan sát nhận định những tháng tới sẽ là giai đoạn quan trọng giúp xác định bên nào thắng thế trong cuộc chiến kinh tế hiện nay, khi Moskva phải vật lộn tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng và kinh tế, còn phương Tây phải cố gắng tìm năng lượng thay thế dầu khí Nga.
Theo một báo cáo gần đây của Economist Intelligence Unit (EIU), nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Anh, cuộc chiến kinh tế Nga - phương Tây sẽ làm hao hụt khoảng một nghìn tỷ USD sản lượng toàn cầu trong năm nay. EIU cho biết nền kinh tế toàn cầu hiện được dự báo tăng trưởng khoảng 2,8%, thay vì mức 3,9% được đưa ra trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ. Đức, Italy và Pháp có thể sẽ là những nước bị sụt giảm sản lượng kinh tế nặng nề nhất.
"Nga đang thi gan với phương Tây và phương Tây cũng đáp trả một cách mạnh mẽ", Tymofiy Mylovanov, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Pittsburgh, Mỹ, nhận xét. Đó là một cuộc chiến tiêu hao không bom đạn, gây tổn thất không chỉ với Nga mà còn cả phương Tây, ông nhấn mạnh.
Mỹ và đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có vào Nga. Một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết mục tiêu ban đầu của các lệnh trừng phạt này là "gây tổn thất lớn cho Nga", trong khi vẫn tránh được "những tác động lan tỏa không mong muốn đối với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu".
Hồi tháng 4, Ngân hàng Trung ương Nga ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước sẽ giảm 8-10% trong năm nay. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga sau đó nói rằng đà sụt giảm có thể thấp hơn, song không đưa ra con số cụ thể.
Viện Tài chính Quốc tế, nhóm thương mại có trụ sở tại Washington, dự báo GDP của Nga sẽ giảm 15%, trong khi mức giảm mà JPMorgan đưa ra là 3,5%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù ở kịch bản nào, đà sụt giảm kinh tế Nga sẽ nghiêm trọng hơn mức 3,1% của GDP toàn cầu vào 2020, năm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Lạm phát của Nga tăng lên 15,9% hồi tháng 6, cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu, theo số liệu của Moskva. Các nhà phân tích dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Nga cũng có thể tăng vào cuối năm nay, khi các cơ sở, nhà máy dần hết nguồn vật tư, linh kiện dự trữ, trong khi không nhập được hàng mới do lệnh trừng phạt phương Tây.
"Nga chắc chắn đang cảm thấy sức ép lớn, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đã quen với việc có thể làm tất cả những việc mà họ bây giờ không thể làm", Claus Vistesen, chuyên gia kinh tế khu vực đồng euro tại Pantheon Macroeconomics, công ty tư vấn - nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Anh, bình luận.
Song xung đột ở Ukraine cũng đang chồng chất gánh nặng lên phương Tây. Gián đoạn chuỗi cung ứng bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt, kết hợp với nỗi lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ thiếu hụt năng lượng, đã đẩy giá dầu, khí đốt và những mặt hàng khác lên cao.
Tình cảnh này đã đẩy lạm phát ở Mỹ và châu Âu lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, khiến các ngân hàng trung ương Mỹ, Australia, Canada và Anh phải nâng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng chuẩn bị có động thái tương tự.
Nhưng không phải tất cả nguyên nhân đều bắt nguồn từ cuộc xung đột. Ngay cả khi loại trừ năng lượng và thực phẩm, lạm phát của các nước phương Tây vẫn ở mức cao, đặc biệt tại Mỹ, nơi ít chịu ảnh hưởng của giá khí đốt hơn châu Âu.
Các nhà phân tích từ ngân hàng đa quốc gia Barclays dự đoán khu vực đồng euro có nguy cơ rơi vào suy thoái trong quý IV năm nay. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ được cho là sẽ tăng 0,7% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức dự báo 3,3% hồi tháng một.
Nhưng triển vọng này có thể sụp đổ nếu cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng xấu đi. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn, sản lượng của Đức có thể giảm thêm 5% trong năm nay so với dự báo hiện tại, theo Bundesbank, ngân hàng trung ương Đức.
Một quan chức cấp cao chính quyền Biden nói rằng các lệnh trừng phạt đang phát huy hiệu quả như mong muốn và Nhà Trắng tin họ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến kinh tế với Nga. Khi nền kinh tế Nga xấu đi, Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn, khiến ông phải cân nhắc thay đổi chiến lược trên chiến trường Ukraine, quan chức này cho hay.
Tuy nhiên, Nga dường như đã làm tốt hơn so với dự đoán của chính quyền Tổng thống Biden. Hồi cuối tháng ba, ông Biden viết trên Twitter rằng "ruble gần như ngay lập tức biến thành đồng tiền rác. Nền kinh tế Nga đang trên đà sụt giảm một nửa".
Song thực tế là đồng ruble giảm mạnh giá trị hồi đầu tháng 3, nhưng đã nhanh chóng hồi phục nhờ Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất, kiểm soát vốn, tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Những dự báo bi quan nhất cũng không cho thấy nền kinh tế Nga sẽ giảm 50% như nhận định của ông Biden.
Các biện pháp trừng phạt thậm chí còn phản tác dụng, làm tổn thương các quốc gia áp đặt chúng và mang lại lợi ích cho Nga. Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây từ các nhà phân tích tại JPMorgan, Nga đang xuất khẩu ít dầu hơn, nhưng giá năng lượng tăng mạnh đồng nghĩa nước này sẽ có doanh thu cao hơn so với dự toán ban đầu.
Lạm phát cao đang góp phần khoét sâu hơn mâu thuẫn chính trị ở phương Tây. Thủ tướng Italy Mario Draghi, người ủng hộ nhiệt thành với Ukraine, đã phải đệ đơn xin từ chức vào tuần trước, sau khi đảng Phong trào 5 Sao rút khỏi liên minh cầm quyền vì những bất đồng trong chính sách hỗ trợ xã hội. Tổng thống Italy không chấp nhận đơn từ chức của ông Draghi, nhưng khủng hoảng chính trị ở nước này vẫn chưa được giải quyết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bất ngờ mất thế đa số tại thượng viện trong cuộc bầu cử gần đây, khi cử tri nước này ngày càng lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao.
Thủ tướng Boris Johnson đã từ chức trong tháng này dưới áp lực từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ, những người lo ngại các bê bối liên quan đến ông sẽ cản trở khả năng xử lý lạm phát của chính phủ Anh.
Theo JPMorgan, khi kế hoạch cấm phần lớn dầu Nga được châu Âu thực thi vào cuối năm nay, giá năng lượng sẽ tăng mạnh hơn nữa, thậm chí có thể đẩy Mỹ và châu Âu vào suy thoái. Đây là lý do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch áp giá trần với dầu Nga và thuyết phục các nước châu Á như Trung Quốc tham gia.
"Tôi nghĩ những gì chúng ta mong muốn là để dầu Nga tiếp tục chảy vào thị trường để giữ giá toàn cầu và cố gắng tránh một đợt tăng đột biến gây ra suy thoái khắp thế giới cũng như đẩy giá dầu lên cao", bà Yellen nói vào tháng trước. "Nhưng mục tiêu của chúng tôi vẫn là hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga".
Nguồn: vnexpress.net