Ngày 26/2, sau cuộc họp của hơn 20 lãnh đạo phương Tây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, các bên tham gia cuộc họp đã thảo luận phương án đưa quân vào Ukraine. Ông cho biết, phương Tây chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này, nhưng không loại trừ bất cứ kịch bản nào trong tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Soloviov Live hôm 5/3, khi được người dẫn chương trình hỏi liệu những tuyên bố như vậy của Tổng thống Pháp có đang đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân hay không, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin khẳng định: "Có".
Ông Naryshkin cho biết những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine cho thấy "sự vô trách nhiệm" của các nhà lãnh đạo châu Âu.
"Điều đó thể hiện trách nhiệm chính trị cao độ của các nhà lãnh đạo hiện tại của các nước châu Âu, trong trường hợp này là tổng thống Pháp", ông Naryshkin nói thêm.
"Thật buồn khi chứng kiến điều này, thật buồn khi hiểu rằng các nhà lãnh đạo châu Âu và Bắc Đại Tây Dương hiện nay thiếu khả năng đàm phán và thường thể hiện sự thiếu hiểu biết chung. Đó là lý do những tuyên bố như vậy rất nguy hiểm", quan chức Nga nhấn mạnh.
Trong Thông điệp Liên bang phát biểu trước quốc hội hôm 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo kịch bản phương Tây đưa quân vào Ukraine có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân.
Ông Putin nói thêm rằng, Nga sở hữu các loại vũ khí có thể nhắm đến bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ phương Tây.
Sau phát ngôn của Tổng thống Macron, các đồng minh NATO nhanh chóng nêu rõ quan điểm rằng họ không có ý định đưa quân đến Ukraine, không ủng hộ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne khẳng định Pháp "chưa bao giờ vượt qua ranh giới trong cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ không vượt qua nó".
Ngoại trưởng Sejourne cũng giải thích rõ phát ngôn của Tổng thống Macron rằng sự hiện diện của quân đội phương Tây ở Ukraine có thể cần thiết để cung cấp một số loại viện trợ nhất định, bao gồm rà phá bom mìn và huấn luyện quân đội Ukraine, nhưng điều đó không ngụ ý sự tham gia trực tiếp của họ vào cuộc xung đột.
Về phần mình, ông Macron cho biết, phát ngôn của ông không hề bột phát, mà đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Mặt khác, ông khẳng định "lằn ranh đỏ" của Pháp là không chiến đấu chống lại người dân Nga và không đẩy xung đột leo thang căng thẳng.
Tuy vậy, ông vẫn nhấn mạnh, các đồng minh châu Âu cần tăng cường hỗ trợ Ukraine, "không nên tỏ ra hèn nhát". Ông ủng hộ kế hoạch mà Cộng hòa Séc đưa ra hồi tháng trước là tài trợ để nhanh chóng mua hàng trăm nghìn quả đạn dược từ một bên thứ 3 cho Ukraine.
Hiện chưa rõ mức độ tham gia của Pháp đối với việc triển khai kế hoạch này, nhưng ông Macron cho hay giới chức trách đang thảo luận và ông ủng hộ dùng quỹ của châu Âu để mua đạn dược cho Kiev.
Nguồn: dantri.com.vn