"Chúng tôi đã lưu ý việc chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đẩy nhanh quá trình từ bỏ chính sách phát triển hòa bình đã thực hiện trong nhiều thập kỷ, đồng thời theo đuổi chính sách quân sự hóa nhanh chóng", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1.
Theo ông Rudenko, Nhật đã cùng các đối tác ngoài khu vực tổ chức những cuộc diễn tập quy mô lớn gần Nga, áp dụng học thuyết quốc phòng mới nhằm "xây dựng năng tấn công và tăng chi tiêu quân sự chưa từng thấy".
"Chúng tôi coi hoạt động đó của Tokyo là thách thức nghiêm trọng với an ninh của Nga và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Thứ trưởng Rudenko nói. "Nếu tình trạng này tiếp diễn, Nga buộc phải có các biện pháp đối phó tương xứng để ngăn chặn mối đe dọa quân sự".
Nhật chưa bình luận về tuyên bố này của ông Rudenko.
Đài truyền hình NHK của Nhật dẫn nguồn thạo tin trong chính phủ cho biết Bộ Quốc phòng Nhật có kế hoạch triển khai vũ khí siêu vượt âm có tầm bắn 1.000 km tại đảo Hokkaido ở phía bắc và Kyushu ở phía nam. Đảo Hokkaido nằm gần quần đảo Kuril, nơi Nhật và Nga đang tranh chấp lãnh thổ.
Nga và Nhật chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II do bất đồng về quần đảo Kuril, khu vực Tokyo gọi là Lãnh thổ phương Bắc, hiện do Nga kiểm soát. Đàm phán Nga - Nhật đóng băng từ tháng 3 năm ngoái, sau loạt trừng phạt Tokyo áp lên Điện Kremlin do chiến sự Ukraine.
Nga cũng tăng cường hiện diện quân sự trên quần đảo Kuril những năm gần đây. Ngoài các tổ hợp tên lửa diệt hạm, Nga cũng đưa hệ thống tên lửa phòng không hiện đại tới khu vực và lập căn cứ không quân cho chiến đấu cơ đồn trú trên đảo Iturup thuộc quần đảo này.
Chính phủ Nhật Bản tháng 12/2022 thông qua kế hoạch xây dựng quốc phòng trị giá 320 tỷ USD, lớn nhất từ Thế chiến II, nhằm đối phó với "hàng loạt thách thức an ninh".
Trong đó, Tokyo tuyên bố sẽ tăng chi tiêu an ninh lên 2% GDP vào năm 2027, mua sắm các loại vũ khí mới có thể tấn công phủ đầu mục tiêu đe dọa nước này và đồng minh, mở rộng năng lực vận chuyển và phát triển năng lực chiến tranh mạng.
Nhật sẽ chi 51,7 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023, tăng 26,3% so với cùng kỳ trước đó. Trong ngân sách quốc phòng này, Tokyo sẽ phân bổ 6,7 tỷ USD cho phát triển và mua sắm vũ khí, nhiều hơn 4 năm trước cộng lại.
Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Nhật Bản phần lớn ủng hộ bước thay đổi này, nhưng chúng vẫn có thể gây tranh cãi vì hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản yêu cầu quân đội chỉ tiến hành các hoạt động mang tính tự vệ. Chính quyền Thủ tướng Kishida đang nỗ lực diễn giải lại hiến pháp để tăng cường năng lực tấn công cho lực lượng vũ trang.
Nguồn: vnexpress.net