Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bước vào năm 2022 với nhiều thách thức về ngoại giao. (Nguồn: East Asia Forum) |
Trọng tâm chính của ngoại giao Nhật Bản trong năm 2022 là xử lý quan hệ với Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm bình thường hóa quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc.
Mặc dù Thủ tướng Kishida chủ trương xây dựng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng dường như Bắc Kinh chưa cho thấy hồi đáp tích cực, đồng thời vẫn không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Điều này khiến cho Nhật Bản không thể không thúc đẩy hợp tác về an ninh với các đồng minh và đối tác quan trọng như Mỹ, Australia với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, trong khi cố gắng tránh đẩy quan hệ Tokyo-Bắc Kinh diễn biến xấu hơn. Đây thực sự là quyết định khó khăn đối với chính quyền Thủ tướng Kishida.
Trong năm 2021, Trung Quốc và Nga còn tổ chức diễn tập chung ở Biển Nhật Bản trong khi vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) lại có những động thái gia tăng nguy cơ bất ổn.
Rõ ràng, chính quyền của Thủ tướng Kishida không thể phớt lờ “lập trường cứng rắn” nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt là đến từ phe bảo thủ trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Trong một cuộc họp báo cuối năm vừa qua, Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh chủ trương trong xử lý quan hệ với Trung Quốc khi phát biểu “những gì tôi nói sẽ dựa trên các giá trị phổ quát như dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”.
Ngoài ra, trong năm 2021, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục phải hoãn lại do dịch bệnh Covid-19, trong khi cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có quan điểm cho rằng, năm 2022, với sự kiện kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ song phương, Trung Quốc sẽ có nhiều động thái nhằm tạo cú huých mới trong quan hệ với Nhật Bản. Đây là dịp hiếm hoi để nhìn thấy các dấu hiệu tích cực trong quan hệ hai nước.
Song, một quan chức chính phủ Nhật Bản tiết lộ, hiện nước này vẫn chưa quyết định có tổ chức lễ kỷ niệm hay không.
Trong quan hệ với đồng minh số một của mình là Mỹ, Thủ tướng Kishida bày tỏ mong muốn sớm thăm chính thức Washington và hội đàm song phương với Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, chuyến thăm này là khó thực hiện khi chính quyền của Tổng thống Biden dường như đang đầu tư nhiều hơn vào đối nội, bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa Thu tới và sự lây lan nghiêm trọng của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Hội nghị quan chức ngoại giao-quốc phòng (Đối thoại 2+2) Nhật Bản-Mỹ dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2022 cũng nhiều khả năng phải điều chỉnh từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.
Thủ tướng Kishida cũng có một lựa chọn khác cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình là Australia trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản-Australia đang dần tiến tới quan hệ “bán đồng minh”.
Việc chính thức ký kết “Hiệp định tiếp cận tương hỗ”, một cơ sở quan trọng để lực lượng quân sự hai nước có thể hoạt động trên lãnh thổ của nhau, sau khi đạt được sự thống nhất vào tháng 11/2021, có thể sẽ là điểm nhấn quan trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản-Australia.
Australia cũng là nước nằm trong Nhóm Bộ tứ cùng với Mỹ, Ấn Độ. Nhóm này dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh giữa 4 nhà lãnh đạo tại Nhật Bản trong thời gian tới.
Trong khi đó, xử lý quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc cũng là một trong những tiêu điểm trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản năm 2022.
Quan hệ Tokyo-Seoul đang được nhìn nhận là ở mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho đến nay.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, hai nước vẫn thể hiện lập trường đối lập liên quan đến nhiều vấn đề tranh cãi trong lịch sử. Do đó, chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát diễn biến chính trường Hàn Quốc với cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm sau.
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc có thể còn tồi tệ hơn nếu phe cải cách giành chiến thắng và cũng không hề đơn giản nếu phe bảo thủ giành chiến thắng.
Còn đối với Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản ngày càng thận trọng với những bước tiến mới về công nghệ tên lửa và hạt nhân của nước này.
Vấn đề xử lý công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc tiếp tục trở nên cấp bách khi thân nhân của những người bị bắt cóc ngày càng già yếu. Thủ tướng Kishida tiếp tục kêu gọi đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Về quan hệ với Nga, Nhật Bản còn cần nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để tạo bước đột phá trong giải quyết tranh chấp Vùng lãnh thổ phương Bắc (phía Nga gọi là khu vực Nam Kuril), hướng tới một hiệp ước hòa bình thực sự.
Tình hình càng thêm khó khăn khi Moscow tuyên bố thành lập Khu miễn thuế đặc biệt tại khu vực này và mời Hàn Quốc tham gia.
Như vậy, chính quyền của Thủ tướng Kishida bắt buộc phải có sự điều chỉnh mới với hy vọng đạt được nhận thức chung với Nga trong các cuộc đàm phán vào năm 2022.
Nguồn: baoquocte.vn