Về ngoại giao tôn giáo, trong lịch sử, Ấn Độ đã đến Đông Nam Á bằng con đường hòa bình, thương mại, tôn giáo đặc biệt là sự truyền bá Phật giáo và Ấn Độ giáo từ Ấn Độ vào Đông Nam Á. Hiện nay, Chính phủ Modi nhấn mạnh đến kết nối các mối quan hệ văn hóa Phật giáo, Hindu giáo của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, phần lớn trong tổng số 35 trung tâm và tiểu trung tâm của Hội đồng quan hệ văn hóa của Ấn Độ được đặt tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Phật giáo và Hindu giáo được truyền đến khu vực này trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tinh thần và đại chúng, hòa nhập, tiếp biến với phong tục địa phương và các cơ sở thờ tự (đền, tháp, chùa) cũng được xây dựng nhiều. Bên cạnh đó, thông qua Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI), Chính phủ Ấn Độ triển khai hỗ trợ bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa về Phật giáo và Hindu giáo ở các quốc gia Đông Nam Á.
Tại Lào, Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ triển khai trùng tu Quần thể chùa Wat Phou từ năm 2009. ASI đã bắt đầu quá trình bảo tồn các đền tháp Mỹ Sơn sau một thỏa thuận được ký kết giữa Hà Nội và New Delhi vào năm 2014. Ở Myanmar, ASI bắt đầu bảo tồn cấu trúc của các ngôi chùa Phật giáo ở Bagan từ năm 2016. Với Campuchia, ASI đã hỗ trợ bảo tồn đền Angkor Wat, quần thể đền thờ Hindu nổi tiếng từ năm 1992[1]; tiếp đó, Chính phủ Ấn Độ đã ký một bản ghi nhớ “về việc trùng tu một số phần của đền Preah Vihear” vào năm 2018, đồng thời hỗ trợ quốc gia này bảo tồn đền Ta Prohm.
Về ngoại giao văn hóa, Ấn Độ đã ký các hiệp định văn hóa chính thức với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á: Ký kết với Philippines năm 1969, với Việt Nam năm 1976, với Malaysia vào năm 1978, với Lào năm 1994 và với Myanmar vào năm 2001. Những thỏa thuận này đã tạo cơ sở để Ấn Độ chính thức theo đuổi ngoại giao văn hóa thông qua các chương trình trao đổi, biểu diễn và một số hoạt động văn hóa khác. Các đại sứ quán Ấn Độ tại Đông Nam Á thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa của các nghệ sĩ Ấn Độ. Bên cạnh đó, các liên hoan phim Bollywood được tổ chức thường xuyên để giới thiệu điện ảnh Ấn Độ đến các quốc gia Đông Nam Á.
Các Trung tâm Văn hóa Ấn Độ (ICC) là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ngoại giao văn hóa của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) đã thành lập 20 trung tâm văn hóa (và hai trung tâm phụ) trên toàn thế giới. Trong số này, Đông Nam Á có hai trung tâm (Jakarta và Kuala Lumpur) và một tiểu trung tâm (Bali). Các hoạt động chính của các trung tâm văn hóa này là cung cấp cho người dân địa phương cơ hội tìm hiểu về văn hóa Ấn Độ. Các trung tâm văn hoá Ấn Độ tổ chức các buổi biểu diễn khiêu vũ, kịch và âm nhạc, thi viết luận, thuyết trình, triển lãm ảnh, tổ chức các lớp dạy yoga, âm nhạc Ấn Độ và tiếng Hindi...
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ (2018). Ảnh: Internet.
Về hợp tác phát triển giáo dục, thông qua ICCR, Ấn Độ đã cấp nhiều học bổng cho các sinh viên của các nước Đông Nam Á đến học tập tại Ấn Độ. Trong đó, công nghệ thông tin, tiếng Anh, học tiếng Hindi, dược phẩm là những lĩnh vực mà Ấn Độ ưu tiên cho sinh viên các quốc gia Đông Nam Á. Hàng năm, thông qua ICCR, Ấn Độ cung cấp 2.325 suất học bổng theo 21 chương trình. Trong số này, 50 chương trình học bổng Hợp tác Mekong Ganga và 15 chương trình học bổng Ayush dành cho các nước thành viên BIMSTEC liên quan đến Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ICCR đã thành lập 93 trung tâm về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ của Ấn Độ tại các trường đại học nước ngoài khác nhau, trong đó có 5 trường thuộc khu vực Đông Nam Á tại Thái Lan (Đại học Chulalongkorn và Đại học Silpakorn), Singapore (Đại học Quốc gia Singapore), Malaysia (Đại học Malaya), Indonesia (Đại học Mahendradatta và Đại học Gadja Madah) và Campuchia (Đại học Phật giáo Preah Sihanouk Raja[2].
Ngoài những chương trình này, ICCR cũng cung cấp học bổng cho sinh viên và học giả Đông Nam Á theo một số chương trình chung, chẳng hạn như Chương trình Học bổng Khối thịnh vượng chung, Chương trình Trao đổi Văn hóa và Kế hoạch Colombo. Dưới sự bảo trợ của Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC), Ấn Độ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 156 quốc gia. Một trong những kênh hỗ trợ quan trọng là đào tạo các ứng viên được đề cử của các nước đối tác ITEC. Các chương trình trao đổi học giả, sinh viên giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á diễn ra rất thường xuyên giúp các sinh viên có cơ hội trải nghiệm di sản văn hóa phong phú của Ấn Độ và gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của chính phủ, quan chức, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và sinh viên Ấn Độ. Điều này không chỉ xây dựng kết nối giữa người dân mà còn góp phần thiết lập mối quan hệ bền chặt giữa nền văn minh Ấn Độ và nền văn hoá đa dạng, đặc sắc của các quốc gia Đông Nam Á.
Chính phủ Ấn Độ cũng triển khai xây dựng “mạng lưới các trường đại học” bằng cách liên kết các cơ sở giáo dục đại học của Ấn Độ với hệ thống giáo dục đại học ASEAN. Điều này góp phần gia tăng hợp tác nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và y sinh học cũng như trao đổi các học giả và sinh viên về khoa học xã hội và kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á[3].
Về Ấn kiều: Hiện nay có khoảng 6,4 triệu người gốc Ấn đang sinh sống ở các nước Đông Nam Á. Ngoại trừ ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia có số lượng ít, cộng đồng người Ấn rải hầu khắp các quốc gia Đông Nam Á với số lượng không nhỏ, trong đó họ chiếm khoảng 8% -9% dân số Malaysia và Singapore. Họ không chỉ là những nhà đầu tư lớn mà còn giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ các nước sở tại. Do đó, Ấn kiều không chỉ là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của chính phủ mà còn là cánh tay nối dài để triển khai chính sách mở rộng quyền lực mềm của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á. Để tăng cường kết nối với cộng đồng Ấn kiều, Chính phủ Modi đã có nhiều chính sách như hỗ trợ cộng đồng người Tamil ở Malaysia, kêu gọi Ấn kiều đầu tư về cho đất nước, và gần đây nhất là mở các chuyến bay giải cứu công dân mắc kẹt do đại dịch Covid-19 ở Malaysia, Singapore, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam về nước[4].
Ngoại giao y tế cũng là một công cụ mà Ấn Độ đang triển khai nhằm gia tăng quyền lực mềm ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tuy là quốc gia bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch, nhưng với vị thế là quốc gia sản xuất khoảng 60% lượng vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới, Ấn Độ vẫn triển khai chính sách ngoại giao vắc xin với các đối tác láng giềng quan trọng, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Nước này đã cam kết cung cấp 240 triệu liều vắc-xin AstraZeneca-Oxford trong nửa đầu năm 2021. Đặc biệt, Ấn Độ cam kết hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều thuốc điều trị Covdid-19 và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam thử nghiệm và sản xuất Vaccine điều trị Covid -19.
An Trà