Cũng giống như nhiều lĩnh vực có liên quan đến quan hệ quốc tế khác như du lịch, giao thương, hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia cũng chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19.
Khi việc đi lại quốc tế gần như ngừng trệ, việc giao tiếp giữa các quốc gia theo phương thức truyền thống trở nên khó khăn hơn, hoạt động ngoại giao cũng phải thích ứng theo, đặc biệt là bằng việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao số.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn phát biểu khai mạc Đối thoại chiến lược các cơ quan nghiên cứu ASEAN - Hàn Quốc lần thứ hai, ngày 6/10/2020. (Ảnh: Quang Đào) |
Ngoại giao số, như các cuộc điện đàm, các hội nghị trực tuyến, các phiên đàm phán và ký kết hiệp định online đã và đang thay đổi phương thức thực hiện các hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh Covid-19, hoạt động ngoại giao số đã ngay lập tức cho thấy đây là một phương thức ngoại giao có nhiều lợi thế và là xu thế phát triển tất yếu, không thể đảo ngược, ngay cả khi thế giới trở về trạng thái bình thường sau Covid-19.
Từ Liên hợp quốc, G20, G7 đến ASEAN đều đã chuyển các hoạt động thường niên sang không gian ảo. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ bị “tê liệt” hai tuần đầu tiên sau khi đại dịch bùng phát, sau đó đã chuyển sang làm việc trực tuyến từ cuối tháng 3/2020.
Ngoại giao số có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, với chi phí thấp hơn và do vậy có thể mở rộng thành phần tham gia tạo ra các cơ hội mới, thậm chí nội hàm mới cho các hoạt động ngoại giao.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là lần đầu tiên ASEAN thực hiện trên dưới 500 cuộc họp trực tuyến, bảo đảm cho các hoạt động của tổ chức này được tiếp diễn một cách gần như bình thường trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cũng nhờ thích ứng và áp dụng ngay hoạt động ngoại giao số, Việt Nam đã thực hiện được số hoạt động ngoại giao cấp cao kỷ lục trong một năm là 34 cuộc, trong đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước 5 cuộc, Thủ tướng Chính phủ 27 cuộc và Chủ tịch Quốc hội hai cuộc.
Ngoại giao số cũng giúp việc trao đổi thông tin, ý tưởng giữa các quốc gia được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng hơn phần nào. Các hội nghị, hội thảo, webinar, các lớp học trực tuyến là một “bình thường mới” của hoạt động ngoại giao hàng ngày của các Bộ Ngoại giao.
Lắm hạn chế
Tuy nhiên, ngoại giao số, mặc dù có nhiều lợi thế, cũng có các đặc thù rất khác và không tương đồng với ngoại giao truyền thống.
Ngoại giao số chủ yếu giải quyết vấn đề truyền tải thông tin, trong khi các hoạt động ngoại giao còn rất nhiều chức năng quan trọng khác, như xây dựng lòng tin, chuyển tải thông điệp tin cậy giữa hai chính phủ, chức năng phân tích và đánh giá thông tin, xây dựng hình ảnh và ảnh hưởng của một quốc gia ở nước ngoài...
Lòng tin là phạm trù trừu tượng nhưng rất đỗi quan trọng trong quan hệ quốc tế, là mục tiêu của ngoại giao và tài sản quan trọng trong quan hệ giữa các đối tác. Các cuộc tiếp xúc trực tiếp, cái bắt tay nồng ấm, câu chuyện bên lề, bữa ăn thân mật... là một phần không thể thiếu để tạo dựng quan hệ và lòng tin, là điều mà ngoại giao số chưa thể thay thế ngoại giao truyền thống.
Một nghiên cứu của tổ chức DiPlo (diplomacy.edu) cho thấy, khó khăn lớn nhất các nhà ngoại giao gặp phải khi thực hiện ngoại giao số là không thể chia sẻ thông tin nhạy cảm, không thực hiện được các cuộc trao đổi mang tính không chính thức nhưng thực chất giữa các đối tác tin cậy do lo ngại tính bảo mật của hệ thống, và do không biết còn ai khác ngồi cùng phòng với người trên màn hình webcam hay không.
Các cuộc đàm phán trong không gian số cũng trở nên khô khan hơn khi mất đi các “phương tiện” truyền tải thông điệp như cử chỉ, thái độ, ánh mắt, hay các cuộc gặp bên lề, ngoài hành lang...
Chuyển tải thông điệp qua không gian mạng cũng có hiệu quả khác với hoạt động ngoại giao truyền thống. Thực tế, một phần nội dung rất quan trọng của chuyến thăm ngoại giao là bản thân việc thực hiện chuyến thăm đó, vì nó gửi đi thông điệp về tầm quan trọng của các đối tác với nhau.
Hoạt động ngoại giao số, kể cả được thực hiện bởi cấp rất cao, cũng không thể có được thông điệp đó, nhất là khi hoạt động này được thực hiện dễ dàng hơn nhiều so với hoạt động truyền thống.
Không gian ngoại giao số với các công cụ đặc thù như truyền thông, mạng xã hội cũng là hệ sinh thái màu mỡ cho các hoạt động tuyên truyền sai sự thật, các tin giả, tin thất thiệt làm vẩn đục môi trường tương tác giữa các quốc gia, tác động đến đánh giá, nhận thức giữa các đối tác về nhau, thậm chí có thể dẫn đến các hiểu lầm chiến lược tai hại.
Không ít lần quan chức cao cấp các nước, kể cả nguyên thủ quốc gia đã phải “lên mạng” cải chính các thông tin thất thiệt về quan hệ các nước được truyền thông lan truyền.
Nhưng không thể đảo ngược
Trong bối cảnh ngoại giao số được đẩy mạnh như hiện nay, với các đặc thù riêng như trên, ngành Ngoại giao trên thế giới đã và đang làm gì để thích ứng và triển khai hoạt động ngoại giao một cách hiệu quả?
Thứ nhất là thực hiện công cuộc chuyển đổi số đối với các Bộ Ngoại giao, chứ không chỉ với các hoạt động ngoại giao. Điều đó có nghĩa là tất cả các khâu, từ công tác thu thập, xử lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin của các Bộ Ngoại giao đang được đẩy mạnh và đổi mới. Quy trình công tác tích hợp công nghệ số được các Bộ Ngoại giao rất chú trọng, với việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Một ước tính cho thấy hiện nay, Bộ Ngoại giao Anh tạo ra lượng trao đổi thông tin trong một giờ bằng lượng thông tin Bộ này trao đổi trong 9 năm của Thế chiến I. Vì vậy, nếu không có công nghệ sẽ không thể xử lý được lượng thông tin khổng lồ mà các Bộ Ngoại giao nhận được hằng ngày.
Thứ hai là tăng cường vận dụng hiệu quả nền tảng số để đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại. Nhiều dịch vụ ngoại giao trực tiếp như công tác lãnh sự có thể được số hóa, các Đại sứ quán cũng có thể mở rộng phạm vi quảng bá sự kiện văn hóa cộng đồng không chỉ đến người dân nước sở tại mà còn trên toàn thế giới.
Thứ ba là đổi mới phong cách và kỹ năng ngoại giao trong môi trường ngoại giao số. Ví dụ việc sử dụng thành thục mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền cần là một kỹ năng mà mọi cán bộ ngoại giao cần phải có. Bên cạnh đó, kỹ năng thông tin, truyền tải thông điệp cũng phải tương thích với thời đại mới. Thông điệp ngắn gọn, có tóm lược, cần thay thế các diễn văn dài với nhiều ngụ ý.
Ngoài ra, kỹ năng phân tích, xử lý, đánh giá thông tin, phân biệt tin thật, tin giả... cũng cần là các hành trang mới cho mọi cán bộ ngoại giao.
Thứ tư là tăng cường hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ở nước ngoài. Vai trò truyền thống của các “sứ thần” trong việc tạo dựng quan hệ, sự tin cậy với sở tại và truyền tải thông điệp riêng với nước sở tại lại trở nên quan trọng và có vị thế đặc biệt trong thời đại ngoại giao số.
Vì vậy, các Cơ quan đại diện có thể được cơ cấu lại để phù hợp hơn với quá trình chuyển đổi số, ví dụ dành nhiều nguồn lực hơn cho việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác.
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết, nhờ áp dụng công nghệ, thời gian “đi tiếp xúc địa bàn” của cán bộ ngoại giao đã tăng đáng kể vì không còn cần phải ngồi tại văn phòng để làm việc và trao đổi thông tin.
Cuối cùng, hoạt động ngoại giao truyền thống vẫn cần tiếp tục được chú trọng nhưng có kết hợp với ngoại số để phát huy được thế mạnh của cả hai phương thức ngoại giao, nâng cao hiệu quả chung.
Ví dụ, một phần chuẩn bị nội dung các hội nghị đa phương có thể tiến hành trực tuyến để giảm bớt thời gian và gánh nặng cho các hoạt động đàm phán trực tiếp.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu thế tất yếu của ngoại giao số, là cú hích để ngoại giao số đi vào cuộc sống sớm hơn dự kiến. Ngành ngoại giao toàn cầu đã và đang nhanh chóng thích ứng với xu thế đó. Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại mà Việt Nam đang hướng tới cũng cần chủ động, nhanh chóng đón đầu xu thế tất yếu đó.
Nguồn: baoquocte.vn