"Hai nước chúng tôi trong thời gian dài có quan điểm khác nhau về năng lượng hạt nhân. Đức đóng cửa nhà máy cuối cùng vào tháng 4, trong khi năng lượng hạt nhân vẫn là phần không thể thiếu trong nguồn cung năng lượng của Pháp", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói ngày 8/9.
Ngoại trưởng Baerbock nói đây là tình huống mà Pháp và Đức phải chấp nhận. "Pháp và Đức nổi tiếng là những người bạn tốt nhất trên thế giới, song đôi khi chúng tôi hục hặc như cặp vợ chồng già", bà Baerbock nhận định về quan hệ của hai quốc gia châu Âu.
Bà Baerbock bày tỏ hy vọng phát triển thêm quan hệ bền chặt hiện có giữa Đức và Pháp. Theo Ngoại trưởng Baerbock, các sáng kiến như "giao lưu nhân dân, quan hệ kết nghĩa chặt chẽ giữa các cộng đồng và những người lao động xuyên biên giới" đều đóng góp cho nỗ lực này.
Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thường là động lực chính thúc đẩy các chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ giữa Đức và Pháp gần đây gặp một số bất đồng do khác biệt trong tầm nhìn giữa hai nước trong đối phó một số vấn đề sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.
Giới chức Pháp cho rằng Đức đưa ra quyết định đơn phương khi tung ra gói hỗ trợ năng lượng trị giá hơn 214 tỷ USD mà không báo trước, cũng như gây ra hoài nghi khi quyết định mua vũ khí từ Mỹ thay vì châu Âu.
Trong khi đó, Đức không hài lòng khi Pháp phản đối đề xuất xây đường ống dẫn khí đốt mới từ Tây Ban Nha để thay thế nguồn cung từ Nga, thay vào đó tập trung đầu tư vào năng lượng hạt nhân.
Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Phục hồi Pháp Bruno Le Maire hồi tháng 10/2022 nhận định cần "tái định nghĩa chiến lược các mối quan hệ" giữa nước này và Đức. Ông Le Maire nói khởi động lại quan hệ với Đức trong một số vấn đề nhất định "sẽ giúp tạo ra một liên minh mới có thể mạnh mẽ hơn".
Nguồn: vnexpress.net