Hôm 26/9, chiến thắng của bà Giorgia Meloni - nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cực hữu và hoài nghi châu Âu, người từng muốn từ bỏ đồng tiền chung euro - trong cuộc bầu cử tại Italia đã gây chấn động một châu Âu vốn đã lo lắng về sự chuyển mình của phe cánh hữu tại lục địa này.
Giới chức Liên minh châu Âu đang theo dõi sít sao chiến thắng của bà Meloni, với sự thận trọng và lo sợ, bất chấp những lời trấn an từ nữ chính trị gia. Với kết quả này, bà Meloni trở thành người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu đầu tiên điều hành Italia kể từ thời Mussolini.
Tuy nhiên, New York Times nhận định thật khó để giới lãnh đạo châu Âu không lo sợ. Trong những năm gần đây, khối đã đạt được một số thành công trong việc thống nhất quỹ khắc phục hậu đại dịch, hay quan điểm trong chiến sự Ukraine.
Tuy vậy, sức hấp dẫn của những người theo chủ nghĩa dân tộc - dân túy vẫn mạnh mẽ và đang lan rộng, và là mối đe dọa tiềm tàng với lý tưởng cùng sự gắn kết của châu Âu.
Tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19, cùng với chiến sự ở Ukraine khi nợ quốc gia cùng lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đảng trung hữu trên toàn châu Âu.
Charles A. Kupchan - chuyên gia châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - cho biết không chỉ đẩy các đảng trung hữu sang cánh hữu, những đảng cực hữu còn đang dần trở nên “bình thường hóa” và không còn bị phản đối.
“Chiều hướng động lực chính trị đang thay đổi. Chúng ta chứng kiến làn sóng chủ nghĩa trung dung trước và trong đại dịch, nhưng bây giờ thế có vẻ đang nghiêng về phía cánh hữu”, ông nhận định. “Và đó chính là vấn đề lớn”.
Dưới thời Thủ tướng Mario Draghi, Italia đóng vai trò quan trọng trong châu Âu, về cả vấn đề kinh tế lẫn phản ứng trong chiến sự Ukraine. Nhưng hiện tại, Italia đang quay lưng với xu hướng chung của châu Âu.
Trong kịch bản lạc quan nhất, một Italia do bà Meloni lãnh đạo sẽ không phá vỡ sự đồng thuận của châu Âu, nhưng có thể làm phức tạp nghiêm trọng việc hoạch định chính sách.
Nếu bà Meloni và liên minh chọn sát cánh với các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, hoài nghi châu Âu khác - như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki - bà chắc chắn có thể “ngăn cản, làm đình trệ các quy trình”, ông Kupchan nói.
“Trong hơn 10 năm qua, EU đã phải sống chung với nỗi sợ bị bao trùm bởi làn sóng chủ nghĩa dân túy hoài nghi châu Âu”, Stefano Stefanini - nhà phân tích và cựu quan chức ngoại giao Italia - nói. “Hungary là một nỗi đau, nhưng Italia hợp cùng Hungary và Ba Lan sẽ là thách thức nghiêm trọng với EU và sẽ kích thích phe cực hữu ở các quốc gia khác”.
Lời chúc mừng bà Meloni đầu tiên từ châu Âu là của Hungary. Cố vấn chính trị cho thủ tướng Hungary là Balazs Orban viết trên Twitter: “Trong thời điểm khó khăn này, hơn bao giờ hết, chúng tôi cần những người bạn có chung tầm nhìn và cách tiếp cận với các thách thức của châu Âu”.
“Hơn cả một chiến thắng xứng đáng. Xin chúc mừng!”,Hungary Today dẫn lời Thủ tướng Orban cho hay.
EU không quá lo ngại về chính sách của bà Meloni với Ukraine khi bà Meloni khẳng định bản thân ủng hộ NATO và Ukraine. Theo truyền thống, dư luận Italia có thiện cảm với Nga, với khoảng 1/3 số ghế mới trong quốc hội thuộc về các đảng có lập trường không rõ ràng về Nga, lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự cho Ukraine.
Khi chiến sự tiếp diễn, với ảnh hưởng lớn về kinh tế, bà Meloni có khả năng có quan điểm không mạnh mẽ bằng ông Draghi.
“Những cuộc bầu cử này là dấu hiệu khác cho thấy có gì đó không ổn với các đảng chính thống”, Mark Leonard - Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu - cho biết, nói thêm điều này đánh dấu một thời kỳ phức tạp đối với EU.
Ông Leonard cho rằng Brussels cực kỳ lo lắng về vai trò của bà Meloni trong EU, sau khi họ chứng kiến những gì ông Orban đã làm.
“Bà Meloni nói sẽ không ngay lập tức quấy động sự đồng thuận về Ukraine, nhưng bà ấy có thể là động lực cho hình thức hoài nghi châu Âu đầy thù hận trong các cuộc họp hội đồng", ông nói. “Một hoặc hai người phản đối có thể gây thiệt hại cho EU, nhưng tới tận 5-6 người thì rất khó đạt được sự thống nhất hoặc đồng thuận”.
Bà Meloni dự kiến tập trung vào các chủ đề như nhập cư, danh tính, quy tắc về nợ và kỷ luật tài khóa của EU trong tương lai. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bà sẽ lựa chọn cẩn thận vấn đề muốn tranh luận, khi đối mặt với núi nợ quốc gia và số tiền lớn mà Brussels hứa với Rome như một phần của quỹ phục hồi hậu COVID-19.
“Ông Draghi đã thực hiện những cải cách khó khăn để làm hài lòng Brussels, vì vậy không có lý do gì để bà ấy vào cuộc và khuấy động mọi thứ”, Mujtaba Rahman, Giám đốc phụ trách châu Âu tại Eurasia Group, nói. Tuy nhiên, trong tương lai, có lo ngại bà sẽ thúc đẩy ngân sách mở rộng, nới lỏng các quy tắc tài khóa, khiến các quốc gia Bắc Âu khó sẵn sàng thỏa hiệp.
Đối với ông Rahman, rủi ro lớn hơn đối với châu Âu là mất đi ảnh hưởng mà Italia gây dựng dưới thời ông Draghi. Ông cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron“đang bắt đầu tạo ra trục thay thế để cạnh tranh với khoảng trống lãnh đạo hiện nay ở Đức, và tất cả sẽ mất đi”, ông Rahman nói. Ông cho rằng khi đó, từ một quốc gia dẫn đầu, Italia sẽ trở thành nước mà cả châu Âu theo dõi trong lo lắng.
Những lo lắng này hiện rõ ngay trước cuộc bầu cử tại Italia. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát đi lời cảnh báo rằng EU có "công cụ" để đối phó với Italia nếu mọi thứ đi theo hướng "khó khăn", Politico đưa tin.
“Đối với bất cứ chính phủ dân chủ nào mong muốn làm việc cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ hợp tác”, bà von der Leyen nói. “Nếu mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng khó khăn hơn - tôi đã đề cập đến Hungary và Ba Lan - chúng tôi sẽ có các biện pháp”.
Nhà cựu ngoại giao Stefanini kêu gọi Brussels kiên nhẫn.
“Chính phủ mới nên được đánh giá dựa trên thực tế, những gì họ làm khi nắm quyền”, ông nói. “Rủi ro thực sự là khi EU làm quá mọi thứ, biến lo ngại thành điều thực sự xảy tới trong tương lai”.
“Nếu bà ấy cảm thấy bị khước từ và đẩy vào góc, bà ấy sẽ tìm tới ông Orban và những người chung chí hướng, hợp tác với họ”, ông nói thêm. “Nhưng nếu bà ấy cảm thấy được chào đón với tư cách là nhà lãnh đạo hợp pháp, được bầu cử dân chủ, EU có thể thương lượng với bà ấy được”.
Nhà sử học Luuk van Middelaar cũng cho rằng EU nên thận trọng. Ông nói lãnh đạo châu Âu hiểu rõ 2 điều về các đời thủ tướng Italia: “Thứ nhất, họ không có quá nhiều quyền lực trong nước, và thứ 2, họ có xu hướng không tại vị quá lâu”.Kể từ Thế chiến II, trung bình một thủ tướng Italia chỉ nắm quyền trong khoảng 18 tháng.
“Vì vậy, họ sẽ chờ đợi xem”, ông van Middelaar nói. Tuy nhiên, việc bà Meloni có thể tại vị lâu hơn có thể thúc đẩy nhóm theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cực hữu ở các nước lớn khác như Pháp, “và điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự”, ông nói.
Nguồn: vtc.vn