Dư luận Indonesia dậy sóng vào ngày 30/3, sau khi FIFA thông báo tước quyền đăng cai U20 World Cup tại nước này. Phần lớn chỉ trích nhắm đến những chính trị gia dẫn đầu phong trào tẩy chay đội tuyển U20 Israel tham dự giải đấu, nổi bật là Thống đốc Bali Wayan Koster và Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo.
Tổng thống Joko Widodo tuần này tìm cách cứu vãn tình hình với lời khẳng định "chính trị và thể thao tách bạch", nhấn mạnh sự có mặt của đội tuyển Israel tại Indonesia không thay đổi lập trường nước này trong vấn đề Palestine.
Erik Thohir, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), nỗ lực đến phút chót để bảo vệ tư cách chủ nhà U20 World Cup khi đến gặp Chủ tịch FIFA Gianni Infantino ở Qatar vào ngày 29/3 nhằm vận động hành lang. Nhưng mọi cố gắng đều quá muộn. Vài giờ sau cuộc gặp giữa Thohir và Infantino, FIFA ra thông cáo thu hồi quyền đăng cai giải đấu, kèm cảnh báo sẽ cân nhắc thêm biện pháp phạt PSSI trong thời gian tới.
Xung đột Israel - Palestine là một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất thế giới, do mâu thuẫn sắc tộc giữa người Do Thái và Arab. Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới, là nước ủng hộ nhiệt thành Palestine và không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Những cuộc biểu tình phản đối Israel không phải cảnh tượng hiếm gặp trên đường phố Jakarta, đặc biệt sau mỗi đợt leo thang bạo lực Israel - Palestine.
Tuy nhiên, những cá nhân dẫn đầu phong trào tẩy chay đội tuyển U20 Israel vài tuần qua không đại diện cho cộng đồng Hồi giáo. Hai chính trị gia bị chỉ trích nhiều nhất, Wayan Koster và Ganjar Pranowo, đều thuộc đảng cầm quyền Đấu tranh Dân chủ Indonesia (PDI-P), tổ chức chính trị lớn nhất nước và được giới quan sát đánh giá là có lập trường cởi mở trong các vấn đề xã hội.
Ông Koster đứng đầu chính quyền tỉnh Bali, nơi có dân số chủ yếu theo đạo Hindu. Hòn đảo du lịch luôn cởi mở với đa dạng tôn giáo và không phải là "thành trì" của cộng đồng Hồi giáo bảo thủ ở Indonesia. Thế nhưng, trong lá thư ngày 14/3 gửi cho Bộ Thể thao, ông Koster quyết liệt nhấn mạnh lập trường ngoại giao Indonesia - Palestine, yêu cầu cơ quan thể thao quốc gia "cấm đội Israel đến Bali thi đấu", bày tỏ lo ngại về an ninh và so sánh đề xuất của mình với tiền lệ Nga bị cấm tham dự World Cup ở Qatar.
Những chính trị gia trong đảng PDI-P kêu gọi chính quyền Joko Widodo noi gương cố tổng thống Sukarno, nhắc lại chính sách cấm Israel đến Indonesia dự Asian Games năm 1962 hay quyết định từ chối thi đấu với đội tuyển bóng đá Israel vào năm 1958 để giành vé dự World Cup.
Ông Sukarno, một trong những nhà lập quốc Indonesia, là tổng thống đầu tiên của nước này và là bố của chủ tịch PDI-P Megawati Soekarnoputri. Bà Megawati lẫn PDI-P đều kế thừa nhiều tư tưởng từ đảng Quốc gia Indonesia (PNI) của tổng thống quá cố, trong đó có lập trường ủng hộ độc lập cho Palestine và phản đối Israel.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 8/2022 với CNN Indonesia, Tổng thư ký PDI-P Hasto Kristiyanto tuyên bố sự tham gia của Israel trong giải U20 World Cup trên đất Indonesia sẽ vi phạm "nguyên tắc tư tưởng của đảng". Ông nói lập trường của PDI-P không chịu thúc đẩy bởi vấn đề tôn giáo mà bởi nguyên tắc "độc lập là quyền của mọi quốc gia dân tộc". Ông đồng thời nhấn mạnh hai chính trị gia Koster và Ganjar đều nhận thức rõ về lập trường của đảng trong vấn đề Palestine trên phương diện tư tưởng lẫn lịch sử.
Jakarta Post, một trong những báo tiếng Anh có lượng phát hành lớn nhất ở Indonesia, đăng bài xã luận cho rằng phong trào tẩy chay thể thao lần này chủ yếu do mâu thuẫn nội bộ PDI-P. Thực tế, Đại sứ Palestine Zuhair Al Shun đã tuyên bố nước ông sẽ không phản đối nếu Indonesia chào đón đội tuyển Israel đến dự giải đấu.
PDI-P đặt Tổng thống Joko Widodo cùng nội các và thành viên cấp cao trong đảng vào tình thế khó xử khi họ đang trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm sau.
Bà Megawati Soekarnoputri là người có tiếng nói quyết định trong quá trình chọn ứng viên đảng tranh cử tổng thống và lãnh đạo cấp địa phương, còn PDI-P đang là đảng có mức ủng hộ dẫn đầu ở các cuộc thăm dò cử tri toàn quốc. Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo nổi lên là ứng viên sáng giá kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo, song bà Megawati vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng lòng trung thành của chính trị gia 54 tuổi dành cho đảng cầm quyền.
Mối quan hệ giữa nhóm lãnh đạo PDI-P và ông Joko Widodo cũng ít nhiều rạn nứt thời gian qua vì Tổng thống giảm phụ thuộc vào sức ảnh hưởng của đảng, chủ động củng cố tiếng nói độc lập qua quan hệ với nhiều gương mặt quyền lực trong giới kinh doanh và chính trị Indonesia. Bà Megawati trong một phát biểu gần đây đã nhắc khéo rằng Tổng thống "cũng là một thành viên đảng mà thôi".
Rắc rối xoay quanh giải U20 World Cup dường như là phép thử lòng trung thành mà bà Megawati đặt ra cho cả Ganjar lẫn những ứng viên tổng thống và phó tổng thống tiềm năng, trong đó có Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erik Thohir, người được bầu làm chủ tịch PSSI vào tháng 2 và có thể tranh cử phó tổng thống. Trong phép thử này, ông Joko Widodo chọn đi ngược lại lập trường của đảng cầm quyền để bảo vệ sự kiện mà cả nước mong chờ nhiều năm qua, còn ông Ganjar chọn chứng tỏ lòng trung thành.
Dino Patti Djalal, cựu đại sứ Indonesia tại Mỹ và là nhà sáng lập tổ chức Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI), liệt kê nước này đã từng chấp nhận phái đoàn Israel đến tham gia nhiều sự kiện khác mà không có tranh cãi nào nghiêm trọng, từ thể thao đến sự kiện mang tính đại diện chính trị rõ rệt.
Vận động viên Israel tháng trước đến Jakarta dự giải đua xe đạp UCI Track Nations Cup. Năm 2022, phái đoàn Israel đến Bali dự họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Năm 2007, các đại biểu Israel cũng đến Bali dự Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP13).
"Đã có nhiều sự kiện được tổ chức mà không khiến Indonesia thay đổi lập trường kiên định ủng hộ độc lập cho người Palestine. Tranh cãi lần này với giải U20 World Cup đã bị chính trị hóa sâu sắc", Dino Patti Djalal nhận định.
Nguồn: vnexpress.net