Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lại thông báo của Nhà Trắng cho biết, hôm 4/5 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp gỡ giám đốc điều hành các công ty phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ.
Theo SCMP cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh các sản phẩm AI ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của người dùng công nghệ. Tuy nhiên việc phổ biến ứng dụng AI cũng dẫn đến các vấn đề liên quan đến tội phạm như lừa đảo công nghệ cao.
Nhà Trắng cho biết, Phó Tổng thống Harris đã triệu tập lãnh đạo các công ty như Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic để thiết lập một dự báo về tác động của AI, đồng thời lo ngại rằng các công ty đang lao vào công nghệ AI một cách mù quáng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng cho xã hội.
Thậm chí các công ty phát triển AI còn được yêu cầu phải có trách nhiệm “đạo đức” để bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn của AI.
Bà Harris cho biết trong một tuyên bố sau cuộc gặp rằng các công ty công nghệ “phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ” cũng như “đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh vào vấn đề trên trong một cuộc họp ngắn với CEO các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ.
“Những gì các ngài đang làm mang đến tiềm năng to lớn nhưng kèm theo đó là nguy cơ rủi ro”, ông Biden nhấn mạnh.
“Tôi biết các ngài hiểu điều đó. Và tôi hy vọng mọi người có thể chia sẻ với chúng tôi về những gì cần thiết nhất để bảo vệ xã hội cũng như sự tiến bộ (của nhân loại)”, Tổng thổng Biden nói thêm.
Trước đó, ông Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua dự luật đặt ra các giới hạn chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ, nhưng những nỗ lực này có rất ít cơ hội đạt được sự đồng thuận từ các nhà lập pháp do sự chia rẽ chính trị.
Việc thiếu các quy tắc cụ thể đã giúp các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon tự do đưa ra các sản phẩm mới một cách nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại các công nghệ AI sẽ tàn phá xã hội trước khi chính phủ có thể nhấn thấy nguy cơ từ chúng.
Những nguy cơ từ AI đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết khi công nghệ này được sử dụng vào các mục đích xấu, điển hình như lừa đảo. Với công nghệ chúng ta có thể tự tạo ra bản sao giọng nói của một ai đó, hay xa hơn là một video deepfake (giả gương mặt), kèm với đó là một đoạn tin nhắn với những nội dung sai sự thật.
Đầu tháng 3/2023, nhiều chuyên gia công nghệ đã kêu gọi tạm dừng phát triển các hệ thống AI tiên tiến hơn để có thời gian đảm bảo chúng an toàn, mặc dù việc tạm dừng được nhiều người coi là khó xảy ra.
Nhà Trắng đã sử dụng cuộc họp với các công ty công nghệ hôm 4/5 như động thái thể hiện rõ mục tiêu “thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.
Điều này bao gồm việc chính quyền của ông Biden chi hơn 140 triệu USD để mở rộng nghiên cứu AI và thiết lập một hệ thống đánh giá có thể hợp tác với các công ty công nghệ lớn để “khắc phục sự cố”.
David Harris, giảng viên tại Đại học California, Berkeley, cho biết: “Đừng quá hy vọng rằng điều này sẽ dẫn đến bất kỳ điều gì đó có ý nghĩa. Tuy vậy, đây vẫn là một khởi đầu tốt”.
Google, Meta và Microsoft đã dành nhiều năm làm việc trên các hệ thống AI để hỗ trợ dịch thuật, tìm kiếm trên internet, bảo mật và quảng cáo.
Nhưng vào cuối năm ngoái, công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco đã tung ra một ứng dụng chatbot AI mang tính đột phá là ChatGPT, buộc các đối thủ của họ phải phải có hành động quyết liệt hơn.
Google sau đó đã mời người dùng ở Mỹ và Anh thử nghiệm chatbot AI của mình, được gọi là Bard.
Tiếp đó tỷ phú Elon Musk vào tháng 3 đã thành lập một công ty AI có tên X.AI, có trụ sở tại bang Nevada.
Nguồn: vtc.vn