Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 4/10, ông Kishida Fumio chính thức được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng kế nhiệm ông Suga Yoshihide, người sớm rời nhiệm sở sau một năm cầm quyền.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và châu Á-Thái Bình Dương chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường, chính sách đối ngoại Nhật Bản của tân Thủ tướng Kishida Fumio có gì đáng chú ý?
So với người tiền nhiệm, ông Kishida Fumio nhậm chức khi tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến thuận lợi cho Nhật Bản.
Tại xứ sở hoa anh đào, sau nhiều nỗ lực của Tokyo, số ca mắc mới đã giảm từ 25.000 ca tháng 8 xuống 1.128 ca ngày 27/9. Tỷ lệ tiêm đủ vaccine Covid-19 ở Nhật Bản là 58%. Ngày 30/9, lệnh hạn chế di chuyển và tụ tập đông người được dỡ bỏ.
Điều này đồng nghĩa rằng Tokyo có thể phân bổ nguồn lực và thời gian cho đối ngoại, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch hay giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế. Quan trọng hơn, ông Kishida có thể tham gia các hoạt động đối ngoại trực tiếp và thường xuyên hơn so với người tiền nhiệm.
Đáng chú ý, Tokyo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách khu vực của nhiều nước lớn.
Cụ thể, Nhật Bản có vị trí đặc biệt trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, dù quan hệ song phương còn trắc trở, nhưng mạng CGTN (Trung Quốc) cho rằng chiến thắng của ông Kishida là “kết quả tốt nhất cho Trung Quốc”.
Ông Lưu Giang Vĩnh, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định đây là tin tốt với Bắc Kinh, bởi ông Kishida có quan điểm ôn hòa so với ứng cử viên cánh hữu còn lại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đã sẵn sàng “thúc đẩy phát triển tốt đẹp và ổn định” quan hệ Trung-Nhật thời gian tới.
Số ca mắc Covid-19 mới tại Nhật Bản đã giảm đáng kể những ngày vừa qua. (Nguồn: The Japan Times) |
Trong bối cảnh đó, ông Kishida được cho là sẽ kế thừa chính sách đối ngoại của những người tiền nhiệm khi giữ nguyên Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng từ nội các của ông Suga Yoshihide.
Ông Motegi Toshimitsu sẽ tiếp tục đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản. Tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ) chuyên ngành chính sách công với hơn 2 năm làm Ngoại trưởng dưới hai Thủ tướng khác nhau, ông Motegi từng thương thảo Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và góp phần củng cố quan hệ Mỹ-Nhật. Ông được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến đa phương dưới thời ông Kishida như thượng đỉnh Bộ tứ hay tham gia Liên minh Ngũ nhãn.
Trong khi đó, ông Kishi Nobuo (tên khai sinh Abe Nobuo), em trai của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, sẽ tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Ông từng phản đối hành động gây căng thẳng, phá vỡ trật tự của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, ủng hộ Nhật Bản xây dựng năng lực tấn công đáp trả trước Triều Tiên và chủ trương thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan (Trung Quốc).
Giữ nguyên hai quan chức trong nội các về ngoại giao và quốc phòng là cách ông Kishida thể hiện tiếp nối về chính sách đối ngoại, vốn được định hình trong Sách Xanh Nhật Bản 2021.
Về Mỹ, tài liệu công bố cuối tháng 4 coi quan hệ giữa Tokyo và Washington tiếp tục là trụ cột ngoại giao, an ninh, thể hiện qua chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Tokyo, thượng đỉnh Mỹ-Nhật tại Washington, Mỹ, cùng hợp tác xuyên suốt trong G7, Bộ tứ, Liên minh Ngũ nhãn hay các cuộc tập trận chung.
Với Trung Quốc, văn bản này khẳng định quan hệ Tokyo-Bắc Kinh là “một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất”.
Một mặt, ngày 28/4, Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng, tạo ra khu vực thương mại tự do chiếm 30% GDP, thương mại và dân số thế giới. Đây là thỏa thuận thương mại hiếm hoi của Nhật Bản có sự góp mặt của cả Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ ba của nước này.
Mặt khác, lần đầu Nhật Bản gọi hành vi xâm nhập của tàu Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku là “vi phạm luật pháp quốc tế”, chỉ trích hiện diện của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông “gây lo ngại mạnh mẽ với an ninh khu vực và thế giới, bao gồm Nhật Bản.”
Cuối cùng, nêu rõ Hàn Quốc là “láng giềng quan trọng”, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác cùng nước này và Mỹ để thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hồi hương công dân bị bắt cóc.
Song Tokyo tiếp tục duy trì lập trường từ năm 1957, khẳng định Dokdo/Takeshima là “lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản”.. Bên cạnh đó, Nhật Bản mong Hàn Quốc sớm có biện pháp giải quyết vấn đề nạn nhân bị cưỡng ép mua vui, vốn được coi là mâu thuẫn lớn giữa hai nước nhiều năm qua.
Giữ nguyên hai quan chức trong nội các về ngoại giao và quốc phòng là cách ông Kishida thể hiện tiếp nối về chính sách đối ngoại, vốn đã được định hình trong Sách Xanh Nhật Bản năm 2021. |
Tuy nhiên, bên cạnh kế thừa các chính sách cũ, tân Thủ tướng cũng được kỳ vọng để lại dấu ấn đậm nét hơn. Là Ngoại trưởng tại nhiệm lâu nhất tại Nhật Bản và từng làm Trưởng bộ phận Nghiên cứu chính sách của đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP), ông Kishida Fumio có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, giúp ông định hình, xây dựng và triển khai chính sách có tính kết nối hơn người tiền nhiệm.
Cụ thể, Tokyo dưới thời tân Thủ tướng Kishida có thể chủ động hơn trong xây dựng quan hệ với Mỹ và các đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí đề xuất tầm nhìn, sáng kiến giống cách ông Abe Shinzo từng làm, thay vì chỉ hướng ứng hành động của Washington như trước. Đó có thể là đề xuất tham gia Liên minh tình báo Ngũ nhãn hay đóng vai trò tích cực hơn trong Bộ tứ.
Ngày 5/10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai bên khẳng định lại Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật về nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản, nhất trí hợp tác thực hiện tầm nhìn về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Trước đó, phát biểu sau khi nhậm chức, ông Kishida khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là nền tảng để đối phó thách thức an ninh, hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, dù vẫn duy trì cách tiếp cận “vừa cứng vừa mềm” với Trung Quốc, song tân Thủ tướng Nhật Bản có thể mang tới điều chỉnh nhất định.
Một mặt, chính phủ của ông Kishida Fumio đã bổ nhiệm ông Takayuki Kobayashi làm Bộ trưởng An ninh Kinh tế, vị trí chưa từng xuất hiện trong nội các Nhật Bản. Theo Kyodo, quan chức này sẽ chịu trách nhiệm chống lại các hoạt động được cho là đánh cắp công nghệ của phía Trung Quốc.
Ông Kishida cũng có thể thúc đẩy hợp tác Tokyo và Đài Bắc (Trung Quốc), bất chấp thái độ của Bắc Kinh. Tân Thủ tướng Nhật Bản có quan hệ tốt với giới chức Đài Loan và đã hoan nghênh Đài Bắc đệ đơn gia nhập CPTPP. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo, Tokyo đặc biệt quan tâm tình hình eo biển Đài Loan, kêu gọi giải quyết căng thẳng một cách hòa bình, thông qua đối thoại.
Mặt khác, Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản và điều này sẽ không thay đổi thời gian tới. Đặc biệt, ba nguyên tắc về đối ngoại của Thủ tướng Kishida, bên cạnh bảo vệ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền cùng củng cố quốc phòng là ưu tiên thúc đẩy vai trò của Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, lưu thông tự do dữ liệu.
Theo The Japan Times, việc ông Kishida bổ nhiệm nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Yamaguchi Tsuyoshi, người có nhiều kinh nghiệm về Trung Quốc, làm Bộ trưởng Môi trường đã gửi tín hiệu hợp tác với Bắc Kinh trong chống biến đổi khí hậu.
Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio cho thấy sự kế thừa về mặt chính sách đối ngoại. (Nguồn: AP) |
Ông Kishida cũng được kỳ vọng có thể mang lại thay đổi tích cực hơn trong quan hệ Nhật-Hàn. Khi còn làm Ngoại trưởng, ông từng phụ trách đàm phán giữa Tokyo và Seoul nhằm giải quyết câu chuyện “phụ nữ mua vui”, vấn đề đã cản trở hợp tác song phương trong nhiều năm qua.
Gửi thư chúc mừng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ mong muốn hợp tác với ông Kishida nhằm cải thiện quan hệ để “hướng về tương lai”, mong muốn hai quốc gia chung tay giải quyết các vấn đề song phương và thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu.
Dưới thời ông Abe và ông Suga, quan hệ Nhật-Hàn tiếp tục sóng gió, bất chấp giảng hòa của Mỹ, đặc biệt sau lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc nguyên liệu phục vụ sản xuất bán dẫn của Nhật Bản tháng 7/2019 và mới đây, phát ngôn gây tranh cãi của nhà ngoại giao Nhật Bản khiến Tổng thống Moon Jae-in hủy chuyến thăm chính thức, dự lễ khai mạc Olympic Tokyo vừa qua.
Cuối cùng, Tokyo dưới thời ông Kishida sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng trên bình diện song phương và đa phương.
Nhật Bản hiện có mặt trong hầu hết cơ chế, diễn đàn lớn tại khu vực, nổi bật là Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Riêng Đông Nam Á, khi còn làm Ngoại trưởng, ông Kishida thăm Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam tháng 4/2016 và xây dựng quan hệ cá nhân tốt với giới lãnh đạo tại các quốc gia này. Hợp tác giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được duy trì và thúc đẩy trong thời gian qua. Trong bối cảnh khối này tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên nền tảng quan hệ sẵn có, Tokyo dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio nhiều khả năng sẽ tăng cường hợp tác song phương lẫn đa phương tại Đông Nam Á.
Nguồn: baoquocte.vn