Tiếp tục trọng tâm của ông Trump vào việc thể chế hóa dựa trên hội tụ
Trong phiên điều trần chuẩn thuận, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã coi Ấn Độ là “một câu chuyện thành công của lưỡng đảng trong các chính quyền kế tiếp ở Mỹ”.
Khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương, ông Blinken cho rằng thời gian làm việc của ông Biden tại Thượng viện Mỹ trước đây sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược lôi kéo Ấn Độ của Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken đã ghi nhận tầm nhìn trước đó của Tổng thống Biden bằng cách nhắc lại mục tiêu của ông là đưa Ấn Độ và Mỹ trở thành “hai quốc gia thân cận nhất trên thế giới” vào năm 2020.
Những đánh giá nhấn mạnh tiềm năng chưa được hiện thực hóa của quan hệ Mỹ-Ấn đã không còn gây ngạc nhiên, đặc biệt là sau 4 năm chính quyền Donald Trump thực hiện chủ nghĩa giao dịch “trắng trợn” và phá vỡ tiền lệ về lợi nhuận gia tăng (đặc biệt là về các vấn đề thương mại).
Ở một mức độ nào đó, những lời chỉ trích vẫn có cơ sở do phạm vi rộng lớn của động lực Mỹ-Ấn, đồng thời Washington cũng cần phải thay đổi kỳ vọng của mình phù hợp với các ưu tiên, hạn chế và nhiều liên kết chiến lược của Ấn Độ.
Mặc dù việc thúc đẩy các khuôn khổ xác định và các kênh liên lạc chuẩn hóa đã bắt đầu dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhưng đến thời kỳ Tổng thống Trump vẫn tiếp tục thể chế hóa quan hệ Mỹ-Ấn bằng cách thiết lập các khuôn khổ theo cách tối đa hóa sự hội tụ.
Một ví dụ điển hình là cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Mỹ-Ấn 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước, thay thế cuộc đối thoại chiến lược và thương mại Mỹ-Ấn giữa các bộ trưởng ngoại giao và thương mại trước đây.
Như vậy, sự tiến triển gần như không bị cản trở của quan hệ quốc phòng đã được đảm bảo, ngay cả trong bối cảnh các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Ấn liên tục gặp bế tắc.
Hơn nữa, chỉ sau ba lần tổ chức đối thoại 2+2, Mỹ và Ấn Độ đã đạt được những lợi ích đáng kể như tăng cường hợp tác giữa Bộ Tư lệnh Trung tâm của Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ, hoàn tất thêm hai thỏa thuận tương tác và mở đường cho hiện thực hóa Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Mỹ-Ấn.
Với rất nhiều những suy đoán hiện nay về việc ông Biden có thể trở lại thể thức dưới thời ông Obama bằng cách khôi phục đối thoại chiến lược và thương mại, cần phải thừa nhận sự ưu tiên của Ấn Độ đối với hợp tác quốc phòng sẽ không bị cản trở.
Tương tự, mối quan hệ ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực năng lượng là một ví dụ khác về quá trình thể chế hóa dựa trên hội tụ dưới thời Tổng thống Trump.
Với thương mại năng lượng là cách tiếp cận chính của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại với Ấn Độ và Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa “giỏ nhập khẩu năng lượng vượt ra ngoài các quốc gia OPEC”, Hiệp định Đối tác Năng lượng Chiến lược Mỹ-Ấn Độ (SEP) năm 2018 chính là điển hình của cách tiếp cận “tất cả trên hết”.
Một số kết quả đáng chú ý tương tự là việc Mỹ trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 6 cho Ấn Độ, thương mại hydrocacbon song phương đạt 9,2 tỷ USD và tăng tốc áp dụng đổi mới công nghệ và khu vực tư nhân để tiếp cận năng lượng sạch hơn nữa ở Ấn Độ.
Khai thác động lực này, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tìm thấy những điểm chuyển đổi tương tự bằng cách củng cố các đặc điểm của SEP ngay cả khi theo đuổi chương trình nghị sự chính sách “ưu tiên khí hậu”.
Ví dụ, hai bên có thể chính thức hóa một diễn đàn hành động khí hậu dưới sự bảo trợ của SEP. Hành động rộng lớn hơn của chính phủ về biến đổi khí hậu, mà mở rộng các ưu tiên theo định hướng khí hậu đối với thương mại, an ninh quốc gia và ngoại giao có thể tạo ra một cách tiếp cận chung hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Thiết lập công bằng về thương mại và chấp nhận trọng tâm vào sản xuất trong nước
Trong khi Tổng thống Trump tập trung vào các căng thẳng bất thường do thương mại, chiến lược tái can dự “Nước Mỹ đã trở lại” của ông Biden bao gồm một điểm quan trọng là tính liên tục.
Phản ánh khuynh hướng “Nước Mỹ trên hết”, một xu hướng kinh tế tương tự là rất rõ ràng với sự tập trung của chính quyền Tổng thống Biden vào việc nâng cao lợi ích kinh tế trong nước của Mỹ để cuối cùng mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu.
Tương tự, lời kêu gọi của New Delhi về một “Ấn Độ tự cường”, nhằm tìm cách nâng cao “năng lực, khả năng và độ tin cậy của Ấn Độ để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu”, cũng có xu hướng củng cố các chuỗi cung ứng địa phương và tăng thuế đối với các hàng nhập khẩu điện tử, nông nghiệp và năng lượng Mặt Trời.
Trong những bối cảnh như vậy, mối quan hệ thương mại Mỹ-Ấn đang bước vào thời kỳ không chắc chắn, với việc chính quyền ông Biden sẽ không đưa ra bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trong thời gian tới và ý định của Mỹ tiến hành "đánh giá mới" đối với một thỏa thuận thương mại hạn chế giữa Mỹ và Ấn Độ mà chính quyền ông Trump đã không thể thực hiện.
Hơn nữa, dưới thời ông Trump, căng thẳng thương mại của Mỹ với Ấn Độ kéo dài chủ yếu do các bên tiếp cận các cuộc đàm phán từ các quan điểm khác nhau, khi New Delhi tìm cách khuếch tán căng thẳng bằng cách giải quyết sự mất cân bằng thương mại rộng lớn hơn và Washington tìm cách giải quyết những e ngại lâu nay về thuế quan của Ấn Độ và các rào cản tiếp cận thị trường phi thuế quan.
Trong khi đó, dưới thời ông Biden, trọng tâm chung là tăng cường sản xuất trong nước có thể ngăn cản những căng thẳng mới.
Ví dụ, khi nhận ra thế mạnh vốn có của mình trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế cao cấp, Ấn Độ và Mỹ có thể hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của nhau, tránh những cạm bẫy của chủ nghĩa bảo hộ và do đó giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.
Công nhận mối liên kết chiến lược của Ấn Độ
Trong 4 năm qua, khi Ấn Độ tham gia vào những tính toán an ninh hướng Đông của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không phải lúc nào nước này cũng làm như vậy khi hợp tác với Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự hỗ trợ của Mỹ đối với sự nổi lên của Ấn Độ như một nhà cung cấp an ninh ở Ấn Độ Dương bị suy giảm.
Trên thực tế, các phi đội máy bay giám sát trên biển P-8 do Mỹ sản xuất của Ấn Độ đóng vai trò là xương sống của Trung tâm Kết hợp Thông tin - sáng kiến hàng đầu của New Delhi nhằm thể hiện mình như một trung tâm nâng cao nhận thức về hàng hải ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, khi tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã chọn hợp tác với Pháp chứ không phải Mỹ, bất chấp những lời đề nghị lặp đi lặp lại từ “một số sĩ quan quân đội Mỹ cấp cao”.
Với vị thế “cường quốc thường trú” của Pháp ở Ấn Độ Dương, trong đó các lãnh thổ hải ngoại của nước này khiến khu vực này là “vấn đề chủ quyền đối với Paris”, Ấn Độ đã xác định một đối tác có lợi hơn.
Tương tự, để chia sẻ gánh nặng trách nhiệm đảm bảo an ninh cho khu vực, ba bên Ấn Độ-Pháp-Australia đã nhanh chóng đạt được các thỏa thuận để các bên có thể tiếp cận các tiền đồn của nhau (đảo Andaman và Nicobar, đảo Reunion và đảo Cocos) ở Ấn Độ Dương.
Trong mục tiêu của chính quyền Biden nhằm hiện thực hóa tiềm năng chưa thực hiện được của mối quan hệ Mỹ-Ấn, Mỹ cần thận trọng khi điều chỉnh các kỳ vọng của mình cho phù hợp với các khuynh hướng của Ấn Độ về việc ưu tiên quan hệ quốc phòng, hạn chế về các vấn đề thương mại và quản lý các liên kết chiến lược./.
Theo Euro Asia Review