Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/21973, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết. Sau năm 1975, quan hệ Việt - Pháp được tăng cường trên nhiều mặt, với dấu mốc quan trọng là chuyến thăm Pháp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1977.
Trong khi Việt Nam bị bao vây cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ hợp tác văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục và đào tạo với Việt Nam.
Năm 1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand đến Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nguyên thủ quốc gia phương Tây tới Việt Nam, là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong bối cảnh quốc tế mới.
Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác chiến lược - một cấp độ cao trong quan hệ quốc tế. Từ đây, quan hệ giữa hai nước bước sang một nấc thang mới cao hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macrontrong chuyến thăm Pháp ngày 25/3/2018. Ảnh: TTXVN
50 năm qua (1973-2023), quan hệ Việt - Pháp đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những điểm sáng đáng chú ý về chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế.
Ở phương diện chính trị - ngoại giao, gần đây lãnh đạo và đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Đến Việt Nam có các chuyến thăm của Tổng thống François Hollande vào năm 2016, chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tháng 11/2018 và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đầu tháng 12/2022.
Đáp lại, đến Pháp có các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 9/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 4/2019, và gần đây nhất là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021.
Về kinh tế, trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019(1) và đạt 5,34 tỷ USD vào năm 2022. Pháp luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau Hà Lan, Đức, Áo(2). Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang tạo ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Tính đến cuối năm 2022, đầu tư trực tiếp (FDI) của Pháp vào Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn FDI của EU đang đầu tư vào Việt Nam. Với năng lực vượt trội của mình, các công ty Pháp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực thẩm, năng lượng sạch, quản lý chất thải, vận tải hàng hóa và hậu cần(3).
Một số dự án tiêu biểu của Pháp tại Việt Nam là: Dự án Công ty Cổ phần cảng Cái Mép Germadept - Terminal Link, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 520 triệu USD (dự án của liên doanh giữa nhà đầu tư Việt Nam - Pháp); Dự án Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 2.2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng vốn 480 triệu USD; Dự án nhà máy xi măng Hòn Chông tại tỉnh Kiên Giang, tổng vốn đầu tư 348 triệu USD,Dự án Metro số 3 tại Hà Nội.
Pháp là nhà cung cấp Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai (sau Afghanistan) trong số các nước châu Á hưởng ODA của Pháp. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh(4).
Viện Viễn Đông Bác Cổ xưa, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh tư liệu.
Văn hóa cũng là một lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa hai nước. Pháp có Viện Pháp tại Việt Nam với các cơ sở tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam.
Sau hơn ba thập niên đóng cửa ở Việt Nam, đến năm 1993, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) trở lại mở văn phòng đại diện ở Hà Nội. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học và địa lý nhân văn ở phương Đông. Trong lịch sử phát triển của EFEO, Việt Nam luôn được ưu tiên đặc biệt, các công trình nghiên cứu về Việt Nam chiếm tới 1/4 các công trình nghiên cứu của EFEO(5). Vì vậy, EFEO có đóng góp rất lớn đối với khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Việt Nam có nhiều di tích cổ mang kiến trúc Pháp, đặc biệt đường phố Hà Nội có không ít những ngôi biệt thự từ thời Pháp. Bên cạnh đó, do yếu tố lịch sử, có thể còn nhiều cổ vật của Việt Nam đang ở Pháp. Đó là cơ sở cho sự hợp tác và bảo tồn các giá trị văn hóa Việt - Pháp thời gian qua cũng như thời gian tới.
Về giáo dục, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú và đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai bên. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp(6).
Y tế cũng là một lĩnh vực nổi bật trong quan hệ Việt - Pháp. Hợp tác hai nước trong lĩnh vực này diễn ra từ sớm, đánh dấu bằng Hiệp định liên chính phủ được ký kết năm 1993. Nhiều bệnh viện của hai nước thường xuyên có hoạt động trao đổi chuyên môn, trong đó có sự tham gia rất tích cực của Liên hội Y tế Pháp - Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, chia sẻ giữa hai nước được thể hiện rõ nét qua các đợt viện trợ khẩu trang của Việt Nam cho Pháp vào năm 2020 cũng như gói viện trợ 3,5 triệu liều vaccine của Pháp cho Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương và cơ chế COVAX(7).
Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ chế hợp tác khu vực, thế giới. Vì vậy, trong tương lai, quan hệ Việt - Pháp chắc chắn sẽ có nhiều thành tựu hơn nữa.
---------------------------------------------------------
Nguyễn Văn Chuyên