Khi Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông sẽ ưu tiên tập trung vào các chính sách trong nước. Bên cạnh đó, chính quyền của ông cũng sẽ phải đối mặt với những thác thức chính sách đối ngoại không hề nhỏ.
Richard Haass, Chủ tịch của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ cho rằng, tân tổng thống sẽ bước vào một tình huống thực sự khó khăn cả ở trong nước và trên trường quốc tế và ông sẽ phải thực hiện công việc "sửa chữa", thay vì coi đó là một giai đoạn đổi mới quan trọng.
Ông Biden sẽ phải "sửa chữa" lại các mối liên minh của Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á, vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, chính quyền mới có khả năng phải đối mặt với một vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên, các cuộc tấn công mạng liên tục của Nga và Trung Quốc, hoặc các hành động khiêu khích của Iran ở Vịnh Ba Tư... Đó sẽ là những chính sách đối ngoại hàng đầu mà ông Biden phải ưu tiên trong năm đầu tiên cầm quyền.
Khôi phục liên minh, đối phó với Trung Quốc
Theo ông Kori Schake, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Biden sẽ là "một mũi tên trúng hai đích: Củng cố các đồng minh của Mỹ để cùng kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Chính quyền Trump xác định Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với Mỹ, một quan điểm có sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Washington. Trung Quốc đã thể hiện sự gây hấn nhiều hơn trong khu vực - tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, xung đột với Ấn Độ trên dãy Himalaya, hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp tài sản trí tuệ trong suốt nhiều năm.
Joe Biden nói rằng ông có thể sẽ giữ nguyên một số mức thuế mà chính quyền Trump đã thực hiện với hàng hóa Trung Quốc, nhưng chính sách của ông sẽ khác biệt với chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump - điều đã gây thất vọng cho chính các đồng minh của Mỹ.
"Chính quyền Trump đã khơi mào nhiều cuộc chiến không cần thiết. Đó sẽ là một thách thức to lớn đối với ông Biden và đội ngũ của ông, đặc biệt là khi thiết lập lại những mối quan hệ theo mô hình hợp tác và hiệu quả", Schake nói, đề cập tới cả vấn đề binh sỹ Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức cũng như áp thuế nhập khẩu với Canada và Liên minh châu Âu.
Anthony Blinken, người được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới, đã nói rằng các mối liên minh là chìa khóa để giải quyết "những vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia, cho dù đó là biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, hay cho chạy đua vũ trang".
Sự nổi lên của Nga
Bên cạnh sự bành trướng và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức "cấp bách" trong mối quan hệ với Nga.
Ông Biden sẽ đối mặt với thách thức gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí ngay lập tức với đối thủ cạnh tranh hạt nhân lớn nhất của Mỹ, cũng như sự can dự của Nga tromg các vấn đề từ Syria đến Libya, Cộng hòa Trung Phi đến Venezuela.
Ông Biden được cho là sẽ có quan điểm cứng rắn hơn ông Trump trong mối quan hệ với Nga, nhưng chính quyền kế nhiệm có thể sẽ tiếp tục các lệnh trừng Nga vì vấn đề Ukraine và Syria mà chính quyền Trump đã thực hiện
Tuy nhiên, điều đó có thể mở ra cho ông Biden một cơ hội, bởi vì chính quyền của ông "sẽ là chính quyền đầu tiên trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh không có những kỳ vọng phi thực tế liên quan đến Nga, và theo một nghĩa nào đó, đó là một dấu hiệu tích cực", theo ông Victoria Zhuravleva, giáo sư về quan hệ Mỹ-Nga tại Moscow.
Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên
Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng: "Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên".
Tuy nhiên, tháng 10/2020, tên lửa dài 23 mét của Triều Tiên xuất hiện trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng. Theo các nhà phân tích, tên lửa này vẫn chưa được thử nghiệm, nhưng đây rất có thể là một tên lửa liên lục địa có khả năng vươn tới đất liền Mỹ với nhiều đầu đạn hạt nhân.
Sự tự tin của ông Trump vào chính sách ngoại giao cá nhân của mình với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không thành công trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên mà còn cho Bình Nhưỡng thêm thời gian để chế tạo thêm vũ khí hạt nhân và hoàn thiện năng lực tên lửa đạn đạo của mình, với các vụ thử tầm ngắn.
"Chính quyền Biden sẽ thấy mình có ít sức mạnh 'mặc cả' hơn những gì chính quyền Trump đã có trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội, với tiến bộ ấn tượng mà Triều Tiên đã đạt được trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này. Giờ chúng ta sẽ phải xem xét khả năng có một thỏa thuận tạm thời mà ít nhất là đóng băng chương trình của họ", cựu nhà phân tích của CIA về Triều Tiên, Sue Mi Terry cho biết. Bà Terry hiện là chuyên gia cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Biden đã nói rằng ông sẽ đàm phán với chính quyền Triều Tiên, chứ không phải với cá nhân ông Kim, cho đến khi các nhà đàm phán cấp chuyên viên đạt được ít nhất một thỏa thuận tạm thời.
Hiện chưa rõ liệu 2 bên có chấp nhận loại thỏa thuận ngắn hạn như vậy để mở ra cánh cửa cho một giải pháp dài hạn hơn hay không, nhưng một số nhà phân tích cho rằng đó là cách duy nhất trong bối cảnh 2 bên vẫn nghi ngờ sâu sắc về đối phương.
Căng thẳng với Iran
Trong số những "di sản" mà ông Biden được kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm, khó khăn nhất có lẽ là vấn đề Iran. Tuyên bố của ông Trump về việc đáp trả vụ tấn công mà các phiên quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq có thể đẩy 2 nước vào vòng xoáy căng thẳng mới ngay khi ông Biden nhậm chức.
Cho dù Trump "án binh bất động" trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden vẫn sẽ phải đối phó với một Iran đã làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn với các máy ly tâm tiên tiến hơn so với khi ông rời nhiệm sở với tư cách Phó Tổng thống Mỹ.
"Nếu Iran tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận này như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Cùng với các đồng minh, chúng tôi sẽ làm việc để củng cố và mở rộng các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, đồng thời giải quyết các vấn đề được quan tâm khác", ông Biden trả lời phỏng vấn CNN hồi tháng 9/2020.
Tuy nhiên, Iran đã thể hiện rằng, điều đó sẽ khó có thể thực hiện được. Các nhà lãnh đạo của nước này nói rằng họ không chỉ đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, mà Iran còn phải được bồi thường vì những thiệt hại kinh tế từ các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump.
Iran có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư hoặc nã tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, tận dụng bầu không khí căng thẳng đó để tạo đòn bẩy và đặt Biden vào một tình huống chính trị khó khăn.
Khi đó, ông Biden không chỉ chịu sức ép từ đảng Cộng hòa ở Washington mà còn cả các nước trong khu vực như Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, những nước vốn phản đối thỏa thuận hạt nhân ban đầu.
Chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết của Mỹ
Một trong những thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên ông Biden phải đối mặt là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Chính quyền Trump đã rút số lượng binh sỹ Mỹ đồn trú tại 2 nước này xuống chỉ còn 2.500 quân ở mỗi nước sau gần hai thập kỷ.
"Chính quyền Trump đã tặng cho đội ngũ của Biden một món quà đáng giá khi quyết định rút bớt binh sỹ ở Afghanistan và Iraq. Tôi có thể nói rằng, tổng thống Biden và nhóm của ông ấy cũng có chính sách tương tự, và với quyết định của mình, chính quyền Trump sẽ phải chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra bất cứ hậu quả nào", ông Schake nói với ABC News.
Hiện chưa rõ ông Biden có ý định như thế nào với các binh sỹ Mỹ ở cả Afghanistan và Iraq, nhưng ông đã bày tỏ rằng ít nhất ông sẽ làm chậm quá trình rút toàn bộ binh sỹ ở cả 2 quốc gia này. Ở Afghanistan, ông sẽ tiếp tục đảm bảo Taliban tuân thủ các cam kết của thỏa thuận mà chính quyền Trump đạt được với lực lượng này, nhưng sẽ tập trung lực lượng của Mỹ vào các tổ chức khủng bố al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là chính quyền Biden sẽ làm thế nào nếu bạo lực đe dọa nhấn chìm Afghanistan hoặc nếu các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đổ vỡ, và làm thế nào để đảm bảo quốc gia Nam Á này sẽ không trở thành "thiên đường" của khủng bố một lần nữa.
Trong khi đó, vẫn còn những mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo ở những nước khác. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các chi nhánh của al-Qaida đang lợi dụng tình trạng mất an ninh và hỗn loạn ở Syria, miền bắc Mozambique, Philippines và ở Sahel - khu vực sa mạc Bắc Phi bao gồm Mali, Niger, Burkina Faso và Nigeria.
Nguồn: dantri.com.vn