Nghiên cứu kéo dài 4 năm của phòng nghiên cứu AidData có trụ sở tại Mỹ, cho biết gánh nặng "nợ ẩn" đã được loại khỏi bảng cân đối kế toán công, bằng cách sử dụng các khoản vay cho mục đích đặc biệt và bán tư nhân. Bên cạnh đó, các khoản nợ “lớn hơn đáng kể so với những gì các tổ chức nghiên cứu, cơ quan xếp hạng tín dụng hoặc các tổ chức liên chính phủ có trách nhiệm giám sát đã biết đến trước đây”.
Theo AidData, 42 quốc gia thu nhập thấp đến trung bình (LMIC) có tỷ lệ nợ đối với Trung Quốc vượt quá 10% GDP của họ, trong đó có Lào, Papua New Guinea, Maldives, Brunei, Campuchia và Myanmar.
Báo cáo tiết lộ rằng Lào có tỷ lệ "nợ ẩn" đáng kể. Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào trị giá 5,9 tỷ USD được cấp vốn hoàn toàn bằng khoản nợ không chính thức tương đương khoảng một phần ba GDP của Lào.
BRI được khởi động vào năm 2013 như một chương trình đầu tư quốc tế đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hàng trăm quốc gia chủ yếu có thu nhập thấp đến trung bình đã đăng ký các khoản vay của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, nhưng hiện chương trình đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sáng kiến cơ sở hạ tầng “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” của G7.
Trong báo cáo, AidData kiểm tra hơn 13.000 dự án BRI trị giá hơn 843 tỷ USD ở 165 quốc gia từ năm 2000 đến năm 2017. Báo cáo cho thấy việc cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc, đã chuyển đáng kể (gần 70%) từ các khoản vay chính phủ-chính phủ trong thời kỳ trước BRI, sang cho vay đối với các công ty quốc doanh và ngân hàng, liên doanh, tổ chức tư nhân và công ty chuyên dụng (SPV).
Điều này dẫn đến việc các khoản nợ không được báo cáo đầy đủ - ước tính khoảng 385 tỷ USD - vì những bên đi vay chính không còn là các tổ chức chính phủ trung ương được yêu cầu báo cáo chặt chẽ hơn.
“Các khoản nợ này, phần lớn, không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của chính phủ LMIC. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó hưởng lợi từ các hình thức bảo vệ trách nhiệm pháp lý của chính phủ nước sở tại, làm mờ đi sự phân biệt giữa nợ tư và nợ công, đồng thời gây ra những thách thức lớn về quản lý tài chính công đối với LMIC", báo cáo nêu.
AidData cho biết các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhìn chung đã nhận thức được vấn đề này nhưng báo cáo góp phần định lượng thêm một quy mô đáng báo động.
Trong bối cảnh tranh cãi ngày càng tăng xung quanh BRI và sự phản đối từ một số chính phủ, việc cho vay chậm lại trong những năm gần đây. Nhưng các khoản nợ trước đó vẫn còn. Năm 2019, ông Tập cam kết tăng cường tính minh bạch và ổn định tài chính trong chương trình, đồng thời "không khoan nhượng với tham nhũng".
Dù hàng trăm quốc gia đã đăng ký BRI, có những lo ngại về tính minh bạch và việc các khoản vay lớn có rủi ro cao tạo điều kiện cho “ngoại giao sổ nợ” ở một số khu vực, buộc bên nợ phải nhường quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát các tài sản lớn cho Bắc Kinh thay cho việc trả nợ.
Tuy nhiên, báo cáo AidData lưu ý rằng việc thu giữ tài sản thay cho việc trả nợ chỉ được phép đối với các khoản vay trực tiếp của chính phủ, trong khi các thỏa thuận ngày càng thường xuyên được thực hiện thông qua SPV và các cơ chế bán tư nhân khác, cho thấy khoản hoàn trả được lấy từ doanh thu của các dự án.
Sự thay đổi theo hướng thứ hai làm tăng rủi ro với bên cho vay, nhưng báo cáo cho biết đây là một "thao tác cần thiết" nếu họ muốn hoàn thành mục tiêu của BRI, bởi vì nhiều quốc gia đã nợ nần chồng chất và không thể chính thức tiếp nhận nhiều nợ hơn.
Báo cáo cũng cho thấy Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng quy mô cung cấp các khoản vay ở các quốc gia có rủi ro hơn, nhưng họ cũng quyết liệt đối với việc thu hồi nợ như yêu cầu lãi suất cao hơn nhiều với thời gian trả nợ ngắn hơn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “không phải tất cả các khoản nợ đều không bền vững”, đồng thời nói thêm rằng kể từ khi ra mắt, BRI đã “nhất quán duy trì các nguyên tắc tham vấn chung, đóng góp chung và lợi ích chung".
Nguồn: vtc.vn