Tàu nghiên cứu Yuan Wang 5 của Trung Quốc được chào đón khi cập cảng quốc tế Hambantota ở Hambantota, Sri Lanka hôm 16-8-2022 |
Cuộc chơi mạo hiểm
Zambia là một quốc gia không giáp biển với 20 triệu dân nằm ở miền Nam châu Phi. Trong 2 thập kỷ qua, họ đã vay hàng tỷ USD từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc để xây dựng đập, đường sắt và đường bộ. Các khoản vay đã thúc đẩy nền kinh tế của Zambia, nhưng cũng làm gia tăng các khoản thanh toán lãi suất nước ngoài cao đến mức ngân sách còn lại rất ít. Điều này buộc Chính phủ Zambia phải cắt giảm chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và trợ cấp cho nông dân.
Trước đây, những nước cho vay lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp sẽ thực hiện các thỏa thuận để xóa một số khoản nợ, nhưng Trung Quốc đã không chơi theo luật đó. Ban đầu, họ từ chối tham gia các cuộc đàm phán đa quốc gia, chỉ đàm phán riêng với Zambia và khăng khăng đòi nước này không tiết lộ với thế giới về điều khoản của các khoản vay. Năm 2020, một nhóm chủ nợ (không phải Trung Quốc) đã từ chối lời cầu xin tuyệt vọng từ Zambia về việc tạm dừng thanh toán lãi dù chỉ trong vài tháng. Việc đó đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ của Zambia. Đến tháng 11-2020, Zambia vỡ nợ, khiến nước này không được vay thêm, lại càng cắt giảm chi tiêu và khiến nhiều người thêm nghèo đói. Lạm phát ở Zambia kể từ đó đã tăng vọt 50%, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất trong 17 năm và đồng tiền quốc gia đã mất 30% giá trị chỉ sau 7 tháng. Một ước tính của Liên hợp quốc trong năm nay cho thấy, số người Zambia thiếu lương thực đã tăng gần gấp 3 lần (lên 3,5 triệu người).
Vài tháng sau khi Zambia vỡ nợ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nước này nợ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc 6,6 tỷ USD, gấp 2 con số mà nhiều người nghĩ và chiếm khoảng 1/3 tổng số nợ của quốc gia. “Chúng ta đã mù quáng. Khi tìm hiểu kỹ, đột nhiên bạn nhận ra có rất nhiều thứ đã bỏ lỡ. Và thực sự mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều” - ông Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData (một đơn vị nghiên cứu của Đại học William & Mary), nơi đã phát hiện ra hàng nghìn khoản vay bí mật của Trung Quốc và hỗ trợ hãng tin AP trong quá trình phân tích, nhận định.
Lật tẩy những khoản vay bí mật
Cuộc săn lùng những khoản vay giấu mặt của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2011 khi một nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới đề nghị ông Brad Parks đảm nhận công việc xem xét các khoản vay của Trung Quốc. Trong vòng vài tháng, sử dụng kỹ thuật khai thác dữ liệu trực tuyến, Parks và một số nhà nghiên cứu bắt đầu phát hiện ra hàng trăm khoản vay mà Ngân hàng Thế giới không hề hay biết.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang tăng cường cho vay vốn để thực hiện “Sáng kiến Vành đai và con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế đa quốc gia và kiếm nhiều tiền hơn từ việc nắm giữ đồng đô la Mỹ. Nhiều nước đang phát triển mong muốn có nguồn vốn để xây dựng các nhà máy điện, đường sá, bến cảng và mở rộng hoạt động khai thác mỏ. Nhưng sau một vài năm được Trung Quốc cho vay, những quốc gia đó thấy mình mắc nợ nặng nề. Họ sợ rằng các khoản vay chồng chất dễ dẫn đến bị hạ điểm xếp hạng tín dụng và việc vay mượn trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Trung Quốc bắt đầu thành lập các công ty vỏ bọc cho một số dự án cơ sở hạ tầng thuộc dạng vay tư nhân chứ không phải chính phủ. Ví dụ, ở Zambia, khoản vay 1,5 tỷ USD từ 2 ngân hàng Trung Quốc cho 1 công ty vỏ bọc để xây dựng một đập thủy điện khổng lồ đã không xuất hiện trên sổ sách của nước này trong nhiều năm. Ở Indonesia, các khoản vay 4 tỷ USD của Trung Quốc để giúp xây dựng một tuyến đường sắt cũng không bao giờ xuất hiện trên nợ công của chính phủ. Khi dư nợ quá 1,5 tỷ USD, Chính phủ Indonesia buộc phải cứu trợ 2 lần. “Khi những dự án này trở nên tồi tệ, những gì được quảng cáo là nợ tư nhân sẽ trở thành nợ công. Có những dự án như thế này trên khắp thế giới” - ông Parks nói.
Vào năm 2021, một thập kỷ sau khi Parks và nhóm của ông bắt đầu cuộc săn lùng, họ đã thu thập đủ thông tin cho một phát hiện “bom tấn”: Ít nhất 385 tỷ USD nợ Trung Quốc được che giấu và báo cáo không đầy đủ ở 88 quốc gia, và nhiều quốc gia trong số đó đang ở trong tình trạng tồi tệ mà ít người biết.
Một báo cáo khác của AidData cùng thời điểm cho rằng, nhiều khoản vay của Trung Quốc được thông qua ở thời điểm trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng hoặc ít giá trị về mặt kinh tế. Ở Sri Lanka, một sân bay do Trung Quốc tài trợ được xây dựng ở quê hương của Tổng thống hầu như không được sử dụng đến mức xuất hiện voi lang thang trên đường băng. Các vết nứt tại các nhà máy thủy điện ở Ecuador khiến tòa án phải mở thủ tục tố tụng liên quan đến dự án này. Hay ở Kenya, những km quan trọng cuối cùng của tuyến đường sắt không được xây dựng do quy hoạch kém và thiếu kinh phí.
Khi tìm hiểu chi tiết về các khoản vay, ông Parks phát hiện ra một điều đáng báo động khác. Đó là các điều khoản bắt buộc các quốc gia đi vay phải gửi đô la Mỹ hoặc ngoại tệ khác vào các tài khoản ký quỹ bí mật. Điều này có nghĩa, Trung Quốc sẽ là chủ nợ được trả tiền đầu tiên mà những người cho vay khác không hề hay biết. Ở Uganda, khoản vay để mở rộng sân bay chính bao gồm một tài khoản ký quỹ hơn 15 triệu USD. Một cuộc điều tra của Quốc hội đã chỉ trích Bộ trưởng Tài chính nước này vì đã đồng ý với điều khoản như vậy, thậm chí điều tra viên chính nói rằng, ông ta nên bị truy tố và bỏ tù.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã thực hiện một hình thức cho vay bí mật mới thông qua trao đổi ngoại tệ. Các hợp đồng đổi ngoại tệ này thực tế là các khoản vay kéo dài nhiều năm với lãi suất cao hơn bình thường. Quan trọng là, chúng không xuất hiện trên sổ sách dưới dạng các khoản vay có thể bổ sung vào tổng số nợ của một quốc gia và vì thế nợ chồng nợ - nguy cơ sụp đổ sẽ nhanh hơn.
Chìa khóa giải quyết khủng hoảng
Theo phân tích của AP, hàng chục quốc gia đang mắc nợ Trung Quốc, trong đó có Pakistan, Kenya, Zambia, Lào và Mông Cổ đang phải tiêu tốn một lượng lớn doanh thu để trả nợ, khiến dự trữ ngoại tệ trở nên cạn kiệt. Hai trong số đó gồm Zambia và Sri Lanka đã vỡ nợ, thậm chí không thể trả lãi cho các khoản vay tài trợ cho việc xây dựng cảng, hầm mỏ và nhà máy điện. Ở Pakistan, hàng triệu công nhân dệt may đã bị sa thải vì nước này nợ nước ngoài quá nhiều và không đủ khả năng duy trì điện cho máy móc hoạt động. Tại Kenya, chính phủ đã giữ lại tiền lương của hàng nghìn công chức để tiết kiệm tiền mặt trả các khoản vay nước ngoài. Cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống đã viết trên Twitter vào tháng trước: “Tiền lương hay vỡ nợ? Bạn chọn đi”.
“Ngày càng có nhiều quốc gia gặp khó khăn về tài chính nghiêm trọng. Điều này phần lớn là do sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc từ nước nhận viện trợ nước ngoài sang chủ nợ lớn nhất thế giới. Bằng cách nào đó, họ đã làm được tất cả những điều này một cách bí mật. Vì vậy, trừ khi mọi người hiểu cách Trung Quốc cho vay, cách thức hoạt động của những khoản vay đó, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được những cuộc khủng hoảng này” - ông Parks nhận xét.
Các chuyên gia dự đoán, trừ khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng lập trường đối với các khoản vay dành cho các nước nghèo, nếu không sẽ có thêm nhiều vụ vỡ nợ và biến động chính trị khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố với AP, đã bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc là một bên cho vay không khoan nhượng và nhấn mạnh rằng, nếu muốn họ làm như vậy thì các chủ nợ đa phương khác cũng cần tham gia tích cực hơn theo nguyên tắc “hành động chung, gánh vác công bằng và đóng góp nhiều hơn để giúp các nước đang phát triển vượt qua khó khăn”. Trung Quốc lập luận rằng, họ đã gia hạn cho nhiều khoản vay, đồng thời là bên đóng góp lớn nhất cho chương trình tạm dừng thanh toán lãi trong đại dịch Covid-19. Họ cũng đã xóa 23 khoản vay không lãi suất cho các quốc gia châu Phi, mặc dù thông tin của AidData cho biết, các khoản vay như vậy hầu hết là từ 2 thập kỷ trước và chiếm chưa đến 5% tổng số tiền mà họ đã cho vay.
Nguồn: anninhthudo.vn