Năm 2020, Joe Biden giành chiến thắng ở bang Michigan với cách biệt sít sao trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump là hơn 150.000 phiếu bầu.
Hai nhóm cử tri đã giúp ông vượt lên dẫn trước ở Michigan và các bang chiến trường quan trọng khác, trong đó có Pennsylvania và Wisconsin, là những người Mỹ theo đạo Hồi và người Mỹ gốc Arab. Các bang chiến trường không nghiêng về đảng Dân chủ hay Cộng hòa, họ đóng vai trò quan trọng trong định đoạt cuộc đua tổng thống.
Giờ đây, 4 năm sau, khi Biden và Trump tiến tới cuộc tái đấu vào tháng 11, Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ phản ứng dữ dội của chính những cử tri đó. Nhiều người đang cố tìm cách làm tổn hại nỗ lực tranh cử của ông.
Phẫn nộ trước việc Mỹ ủng hộ Israel trong chiến dịch chưa từng có ở Gaza, nhiều cử tri Mỹ gốc Arab và Hồi giáo tuyên bố họ sẽ tránh xa các cuộc bầu cử năm nay.
Các cộng đồng Arab và Hồi giáo cho biết họ đã kêu gọi chính quyền Biden lên tiếng và ngăn chặn những cuộc bắn phá tại Dải Gaza nhưng không có kết quả. Lập trường của Washington hiện nay khiến họ cảm thấy hối hận vì đã bầu cho Tổng thống Biden trong quá khứ.
Những cộng đồng ở Dearborn, Detroit và các thành phố lớn khác có đông người Mỹ gốc Arab sinh sống đã vận động thành công các lãnh đạo hội đồng địa phương đưa ra nghị quyết đơn phương về yêu cầu ngừng bắn ở Gaza.
Mai El-Sadany, giám đốc Viện Chính sách Trung Đông Tahrir (TIMEP), trụ sở tại Washington, cho biết các nghị quyết địa phương chỉ mang tính biểu tượng nhưng là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm cũng như ưu tiên của công chúng Mỹ hiện nay.
"Nó mang đến một nền tảng để người dân giải thích tại sao vấn đề này lại quan trọng và nó ảnh hưởng đến họ hay gia đình họ như thế nào", bà nói. "Các hội đồng địa phương có khả năng tập hợp những người cùng chí hướng lại với nhau, nhằm tạo ra cảm giác cấp bách và áp lực lớn hơn đối với giới hoạch định chính sách đối ngoại, buộc họ phải xem xét lại cách tiếp cận".
Một số cử tri gốc Arab đang chọn cách không tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang và thậm chí cả tổng tuyển cử vào tháng 11, nếu không có lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Các lãnh đạo cộng đồng ở Minnesota đã phát động chiến dịch "Từ bỏ Biden" hồi tháng 10 năm ngoái.
Những người khác nói rằng họ dự định viết thông điệp "tự do cho Palestine" lên các lá phiếu.
Tại vòng sơ bộ của đảng Dân chủ ở Michigan hôm 27/2, nhiều cử tri gốc Arab đã không đánh dấu vào tên của Tổng thống Biden mà chọn ô "không cam kết" trên các lá phiếu. Lựa chọn này biểu thị rằng cử tri ủng hộ đảng nhưng không gắn bó với bất kỳ ứng viên nào được liệt kê trên lá phiếu. Những phiếu bầu "không cam kết" sẽ không được tính cho Tổng thống Biden.
Zeidan, người gốc Palestine, đã lựa chọn "không cam kết" khi bỏ phiếu ở Michigan và khẳng định cũng sẽ không bầu cho Tổng thống Biden vào tháng 11. Cô đang lập nhóm để kêu gọi những người khác làm vậy.
Có khoảng 3,5 triệu người gốc Arab tại Mỹ, chiếm khoảng 1% dân số. Khoảng 65% theo đạo Thiên Chúa, 30% là người Hồi giáo và một số nhỏ theo Do Thái giáo.
Theo Youssef Chouhoud, nhà nghiên cứu về chủng tộc và tôn giáo tại Đại học Christopher Newmark (CNU), Virginia, các nhóm này có xu hướng bỏ phiếu dựa trên những quan điểm lợi ích khác nhau nhưng họ "hoàn toàn đồng thuận về yêu cầu phải có một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza".
Thành phố Dearborn, bang Michigan, là nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Arab lớn nhất nước, chiếm hơn 40% dân số thành phố. Georgia, Pennsylvania, Florida và Virginia cũng có cộng đồng gốc Arab lớn.
Georgia, Michigan và Pennsylvania sẽ là bang chiến trường vào tháng 11, nơi cách biệt về ủng hộ dành cho đảng Dân chủ và Cộng hòa là không đáng kể và chỉ một biến động nhỏ cũng có thể thay đổi kết quả cuối cùng.
Phiếu bầu của cộng đồng Arab đã tạo ra bước ngoặt trên đường đua Nhà Trắng sít sao năm 2020. Ông Biden đã dẫn trước ông Trump với 154.000 phiếu bầu ở Michigan, phần lớn thuộc về cộng đồng gốc Arab, chiếm 5% số phiếu bầu. Michigan là nơi sinh sống của khoảng 240.000 người Mỹ gốc Arab.
Ở Georgia, ông Biden từng giành chiến thắng với cách biệt chưa đầy 12.000 phiếu bầu. Bang này là nơi sinh sống của hơn 57.000 người Mỹ gốc Arab.
Tuy nhiên, tâm lý bất mãn ngày càng tăng trong các cộng đồng này đã khiến lần đầu tiên sau 26 năm, đảng Dân chủ không còn là lựa chọn của nhiều cử tri Arab, dù là người Thiên chúa giáo hay đạo Hồi. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden trong cộng đồng người gốc Arab đã giảm từ 59% vào năm 2020 xuống còn 17% năm 2023.
Có khoảng 4,5 triệu người Mỹ theo đạo Hồi và phần lớn trong số họ, khoảng 3,5 triệu người, không phải người gốc Arab. Hầu hết là người gốc Pakistan và Ấn Độ.
Nhưng các cộng đồng Hồi giáo không có nguồn gốc Arab vốn thường bầu cho đảng Dân chủ cũng đang mất niềm tin vào Tổng thống Biden.
Có khoảng một triệu người Hồi giáo đã bỏ phiếu vào năm 2020 và 80% trong số họ chọn Tổng thống Biden. Theo Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), khoảng hai triệu người Hồi giáo đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024.
Tuy nhiên, lần này, chỉ 5% người Mỹ theo đạo Hồi nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden vào tháng 11, theo một cuộc thăm dò do nhóm hoạt động Hồi giáo Emgage thực hiện.
Người Hồi giáo tại Mỹ tập trung chủ yếu ở New York, California, Illinois, New Jersey, Texas, Florida, Ohio, Virginia, Georgia và Michigan.
Những cộng đồng khác cũng có thể làm tổn thương Tổng thống Biden tại hòm phiếu. Các cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 40% người Mỹ không tán thành phản ứng của chính quyền Biden đối với cuộc xung đột, đặc biệt là người trẻ tuổi.
Chiến dịch của Biden đã cố gắng thể hiện rằng Tổng thống thất vọng với tình hình ở Gaza để thuyết phục cử tri đứng về phía ông.
NBC tháng trước dẫn nguồn tin cho biết Tổng thống Biden đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tel Aviv không sẵn sàng đồng ý với một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 8/2 rằng phản ứng của Israel ở Gaza "đã vượt quá giới hạn".
Tuy nhiên, Washington cho đến nay vẫn tiếp tục ủng hộ chiến dịch của Israel. Hồi giữa tháng hai, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield là người duy nhất phản đối và phủ quyết nghị quyết do Algeria đề xuất kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
Bà giải thích rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm giải cứu những con tin Israel vẫn bị Hamas giữ và lệnh ngừng bắn ngay lập tức sẽ làm hỏng nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng "hòa bình lâu dài" trong khu vực.
Hồi tháng một, Thượng viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ bổ sung trị giá 14 tỷ USD cho Israel. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Israel vốn nhận được khoản viện trợ lớn nhất từ Mỹ, khoảng 3,3 tỷ USD mỗi năm. Gần như toàn bộ số tiền này được dùng cho các hoạt động quân sự.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng cộng đồng người Hồi giáo và người gốc Arab chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số người bỏ phiếu, nhưng việc họ quay lưng với ông Biden có thể khiến Tổng thống Biden mất đi lợi thế ở các bang chiến trường và chỉ một cách biệt nhỏ cũng đủ sức tạo nên khác biệt mang tính quyết định, dọn đường cho ông Trump bước chân vào Nhà Trắng.
"Có lý do để tin rằng Tổng thống Biden đang đối diện nguy cơ mất hơn 50% số phiếu bầu mà ông ấy từng nhận được vào năm 2020 từ người Arab và người Hồi giáo", Chouhoud nói. "Ông ấy không thể dựa vào lá phiếu từ họ nữa".
"Điều này không có nghĩa là chúng ta nên đổ lỗi cho người Hồi giáo", Chouhoud nói thêm. "Họ đã cảnh báo về những gì họ sẽ làm trong nhiều tháng qua. Nếu phe Dân chủ thực sự quan tâm đến việc ngăn chặn nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump, họ đã làm điều gì đó khác biệt".
Nguồn: vnexpress.net