Hôm 13/1, KCNA trích dẫn lời ông Kim Jon-un phát biểu trong phiên bế mạc đại hội thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết: "Trong khi tăng cường khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân, chúng ta cần làm mọi thứ để xây dựng quân đội hùng mạnh nhất".
Trong kỳ đại hội lần này, ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh việc Triều Tiên phải tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân, song sẽ chỉ sử dụng trong trường hợp “các thế lực thù địch cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Triều Tiên”.
Hôm 9/1, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố, Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng để cải thiện quan hệ giữa hai nước. Ông Kim Jong-un cũng gọi Mỹ là "kẻ thù lớn nhất" của Triều Tiên.
Tuy nhiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng, chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi, và điều này không phụ thuộc vào việc ai nắm giữ các vị trí hàng đầu trong Nhà Trắng.
Tuyên bố của ông Kim Jong-un được đưa ra đúng vào thời điểm ông Joe Biden chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. Đến nay, Triều Tiên vẫn giữ im lặng trước chiến thắng của ông Biden cũng như chưa đề cập đến các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ông Kim Jong-un là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới chưa thừa nhận kết quả bầu cử của Mỹ.
Các nhà quan sát cho rằng, chính quyền Biden sẽ có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là liên quan đến Iran và Triều Tiên. Đồng thời, lãnh đạo Triều Tiên cũng đang tìm cách thu hút sự chú ý từ chính quyền Biden khi mà nước này đang đối mặt rất nhiều khó khăn do phải đóng cửa biên giới để ngăn dịch COVID-19, đòn trừng phạt của Mỹ…
Theo các phân tích, Triều Tiên có khả năng đang tìm cách điều chỉnh cách tiếp cận của nước này để bảo toàn cơ hội đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế. Các lệnh này đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ.
Quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối đề xuất dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của ông Kim để đổi lấy các bước đi có đi có lại từ phía Triều Tiên.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã có 3 cuộc gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm thảo luận về các vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể do hai bên vẫn còn nhiều khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề.
Nguồn: vtc.vn