Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Vladimir Putin hôm nay đánh bại ba ứng viên còn lại trong cuộc bầu cử tổng thống Nga, tái đắc cử với số phiếu áp đảo và sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 2024-2030. Theo hiến pháp Nga sửa đổi năm 2021, ông Putin về lý thuyết có thể tiếp tục tranh cử thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa, điều cho phép ông tại nhiệm đến năm 2036.
Kịch bản nắm quyền thêm 12 năm nữa tạo điều kiện cho ông Putin, 71 tuổi, có nhiều thời gian để thực thi các cam kết và chương trình hành động của mình, nhằm củng cố di sản chính trị mà ông đã xây dựng trong gần 25 năm qua.
Ông Putin lãnh đạo Nga từ đầu năm 2000 với tư cách quyền tổng thống, sau khi ông Boris Yeltsin bất ngờ từ chức. Ông đảm nhiệm các nhiệm kỳ tổng thống 2000-2004, 2004-2008, 2012-2016 và 2016-2024 cùng một nhiệm kỳ thủ tướng 2008-2012. Hiến pháp Nga khi đó quy định tổng thống không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Nga đạt nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian ông Putin nắm quyền. Cùng với đó, kinh tế đất nước vẫn trụ vững bất chấp phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt để đáp trả Nga mở chiến dịch ở Ukraine, giúp vị thế của ông chủ Điện Kremlin càng được củng cố.
Trong giai đoạn tranh cử, Tổng thống Putin đã cam kết gia hạn các khoản thế chấp giá rẻ được chính phủ hỗ trợ nhằm giúp đỡ về tài chính cho các gia đình trẻ, đặc biệt là những người có con nhỏ. Ông tuyên bố dành thêm nguồn lực vào y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa và thể thao.
Khi đọc Thông điệp Liên bang ngày 29/2, Tổng thống Putin tiếp tục nêu ra tầm nhìn cho nước Nga trong những năm tiếp theo, nhấn mạnh vào nhiệm vụ cải thiện đời sống người dân.
"Đói nghèo vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 9% dân số. Trong nhóm gia đình lớn, tỷ lệ đói nghèo còn vượt 30%. Chúng ta cần nỗ lực không ngừng để cải thiện chất lượng cuộc sống của các gia đình có con nhỏ và nâng tỷ lệ sinh", ông Putin nói.
Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đói nghèo tại Nga xuống dưới 7% vào năm 2030. Ông còn nêu ra hàng loạt sáng kiến khác giúp nâng tuổi thọ trung bình của người dân hiện khoảng 73 tuổi lên ít nhất 78 tuổi vào năm 2030, sau đó vượt mốc 80 tuổi. Cùng với đó là dự án hỗ trợ thanh niên Nga phát triển tương lai, chính sách nhân lực cho các lĩnh vực chuyên môn, giáo dục và đào tạo.
Ông cũng cam kết đưa ra ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và giảm áp lực từ nhà nước lên lĩnh vực tư nhân. "Chúng ta là một gia đình lớn. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện mọi thứ đã lên kế hoạch", theo ông Putin.
Về đối ngoại, ông Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách chia rẽ Nga và khiến nước này suy yếu. Ông thêm rằng Nga sẽ không cho phép bất kỳ bên nào can thiệp vào vấn đề nội bộ.
Nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin có thể áp dụng chính sách cứng rắn hơn nữa với phương Tây, trong khi củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.
Giới quan sát cho rằng sau khi tái đắc cử, ông Putin còn có thể quyết liệt hơn trong chiến sự Ukraine. Một số lo ngại về khả năng Nga sẽ có đợt động viên quân thứ hai và Moskva mở đợt tấn công mới, quy mô lớn.
Nga hồi tháng 9/2022 phát lệnh động viên và huy động 300.000 quân nhân, một phần số này được triển khai đến Ukraine. Tại cuộc họp báo thường niên tháng 12/2023, ông Putin đã bác bỏ khả năng về đợt động viên thứ hai, nhưng các chuyên gia nhận định đây là điều khó tránh khỏi khi Nga đang thiếu hụt nhân lực trên chiến trường.
"Bầu cử tổng thống Nga không quan trọng bằng những gì xảy ra sau đó. Ông Putin thường tránh có động thái không được ủng hộ trước bầu cử", Bryn Rosenfeld, giáo sư Đại học Cornell, New York, nói.
"Giới lãnh đạo Nga đang nhắc đến 'hợp nhất xã hội quanh nhu cầu quốc phòng'", Brian Michael Jenkins, cố vấn cấp cao tại viện chính sách RAND Corporation, bang California, nói. "Ý nghĩa chính xác của cụm này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó cho thấy họ hiểu chiến sự có thể kéo dài và do đó, cần huy động nhiều nguồn lực".
Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie về Nga và Âu - Á, cho rằng ông Putin cũng có thể tránh phải phát lệnh huy động quân thứ hai bằng cách áp dụng chế độ đãi ngộ tốt cho binh sĩ, thu hút những người ở các khu vực nghèo khó đăng ký nhập ngũ để cải thiện thu nhập.
Trong bối cảnh sự ủng hộ từ phương Tây cho Ukraine có dấu hiệu suy giảm, Tổng thống Putin cũng có thể sẽ thử thách quyết tâm của NATO.
Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành Trung tâm David về Nghiên cứu Nga và Âu - Á tại Đại học Harvard, nói ông Putin sẽ tìm cách đánh giá Điều 5 Hiệp ước NATO. Theo điều khoản này, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.
"Để làm vậy, Nga sẽ phải tìm ra tình thế phù hợp để thử thách Điều 5 và nếu phản ứng đáp trả của NATO chỉ ở mức độ thấp hoặc không rõ ràng, Moskva sẽ thấy liên minh quân sự này chỉ là hổ giấy", Vacroux nhận định.
Nguồn: vnexpress.net