Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan |
Nhà lãnh đạo Nga đưa ra bình luận nêu trên sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Sochi vào ngày 4-9.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng chỉ khi tất cả các bên trong thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, thỏa thuận này đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do hàng loạt vấn đề trong việc phân phối ngũ cốc một cách công bằng.
Theo nhà lãnh đạo Nga, phương Tây “nói dối về mục tiêu của thỏa thuận Biển Đen là giúp đỡ các nước đang phát triển” vì hơn 70% ngũ cốc được vận chuyển ra khỏi Ukraine đã đến Liên minh châu Âu (EU) và các nước phát triển khác, trong khi chỉ có 3% đến các quốc gia cần ngũ cốc nhất.
Theo ông Putin, bất kể thỏa thuận nào, Nga vẫn cam kết xuất khẩu phân bón và các sản phẩm nông nghiệp khác để ổn định thị trường thế giới. Ông thông báo rằng Matxcơva dự định gửi 1 triệu tấn ngũ cốc với “giá ưu đãi” tới chế biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó vận chuyển miễn phí đến các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Tổng thống Putin cho biết thêm, Nga hy vọng sáng kiến này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Qatar - nước cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia đang phát triển.
Ông Putin cho hay, Nga sắp hoàn tất thỏa thuận với 6 quốc gia châu Phi về việc giao hàng nông sản miễn phí, đồng thời lưu ý rằng các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn cuối và các chuyến hàng có thể bắt đầu sau vài tuần nữa.
Thông báo này được đưa ra sau các báo cáo cho biết Liên hợp quốc đã đề xuất kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga với hệ thống SWIFT, nhằm khôi phục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
Vào giữa tháng 7 vừa qua, Nga đã đình chỉ tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian sau khi cáo buộc phương Tây không tôn trọng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.
Thỏa thuận này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine tới thị trường thế giới để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu nông sản của Nga. Tuy nhiên, Nga nói rằng các hạn chế đối với các sản phẩm của nước này vẫn được giữ nguyên.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng khôi phục sáng kiến này bằng cách kêu gọi phương Tây giữ lời hứa và kêu gọi mở rộng phạm vi của thỏa thuận. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4-9, Tổng thống Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng ủng hộ sáng kiến này và sẽ gửi bột mì làm từ ngũ cốc của Nga đến các nước nghèo.
Nguồn: anninhthudo.vn