Cụ thể, vào giữa tuần này, hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết Nga sẽ tăng cường xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc thông qua một hành lang ngũ cốc trên bộ mới. Theo bài báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị nội các và ngân hàng trung ương xây dựng một thỏa thuận liên chính phủ và hoàn thiện mọi công việc cần thiết trước ngày 1.10 tới.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, sau khi các vấn đề về thuế quan, hạn ngạch và hậu cần được giải quyết, nước này sẽ nhập khẩu thêm lúa mì và lúa mạch từ Nga, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu từ phương Tây bao gồm Úc, Mỹ, Canada và Pháp.
Các nhà bình luận cho rằng, trong khi Nga và Trung Quốc có thể hợp tác để vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây, thì đồng thời diễn biến này sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tách rời nền kinh tế toàn cầu thành các phần nhỏ hơn, phương Tây (gồm Mỹ) và Trung Quốc - Nga.
Ý tưởng xây dựng hành lang ngũ cốc trên đất liền, kết nối Trung Quốc với các nước thuộc Liên minh Á - Âu, lần đầu tiên được Bắc Kinh đề xuất vào năm 2012, và nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Putin vào năm 2016.
Việc xây dựng nhà ga ngũ cốc Zabaikalsk (GTZ) thuộc lãnh thổ Viễn Đông Zabaikalsk của Nga, một cơ sở trung chuyển đường sắt ở biên giới Nga với Nội Mông, được tiến hành vào tháng 7.2020. Tính đến tháng 4.2022, dự án đã hoàn thiện 75%, theo truyền thông Nga. Trong thời gian chờ nhà ga khánh thành, hiện hầu hết ngũ cốc của Nga bán cho Trung Quốc vẫn đang được vận chuyển từ Biển Đen.
Ngoài ra, những năm gần đây, Nga cũng đã chi mạnh tay cho vùng Viễn Đông. Theo đó, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev ngày 16.3 cho biết hơn 700 tỉ rúp (211 nghìn tỉ đồng) đã được đầu tư vào Viễn Đông vào năm ngoái và 140 doanh nghiệp đã được thành lập tại đây. Trong khi đó, ông Karen Ovsepian, giám đốc điều hành GTZ, cho biết tổng vốn đầu tư theo chương trình hành lang ngũ cốc mới sẽ lên tới 500 tỉ rúp.
Mới đây, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21.3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin một lần nữa nhấn mạnh rằng Moscow sẽ "xem xét việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Trung Quốc" trước ngày 1.10, TASS đưa tin.
Theo chuyên gia Trương Hồng, nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hành lang mới trên bộ sẽ cho phép Nga xuất khẩu nhiều lúa mì và lúa mạch hơn, những mặt hàng mà nước này có lợi thế cả về giá cả và chất lượng. Trên tờ Global Times, chuyên gia này cũng nói thêm rằng thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Nga “hiện không lớn lắm”.
Theo truyền thông tỉnh Phúc Kiến, việc Nga muốn đẩy nhanh dự án với Trung Quốc dù đã ký kết sáng kiến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen với Ukraine vào tháng 7.2022, là vì Moscow vẫn gặp khó trong bối cảnh phương Tây ngày càng siết trừng phạt.
Hiện không công ty bảo hiểm nào có thể cung cấp dịch vụ cho các hãng vận chuyển ngũ cốc của Nga trong khi các nhà xuất khẩu Moscow cũng không thể xử lý giao dịch nếu không có hệ thống trao đổi thông tin thanh toán toàn cầu SWIFT. Một vấn đề khác là thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine sẽ kết thúc sau ngày 18-5, sau 2 lần gia hạn. Tuy nhiên, hiện không có điều gì đảm bảo rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn lần thứ 3, và Trung Quốc hiện là lựa chọn tốt nhất của Nga.
Trong khi đó, theo truyền thông tỉnh Hà Bắc, do lệnh trừng phạt, Nga bị loại khỏi thị trường phương Tây và phải chuyển hướng sang phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Bởi vì Trung Quốc cũng đang tìm cách phát triển kinh tế để cạnh tranh với Mỹ, nên đây sẽ là một tình huống đôi bên cùng có lợi nếu cả Trung Quốc và Nga có thể hợp tác để vượt qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát của phương Tây.
Ngoài ra, với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế trong những năm gần đây, tính ổn định của chuỗi cung ứng ngũ cốc ở nước ngoài của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Theo đó, rủi ro từ việc Trung Quốc nhập khẩu ngũ cốc từ các nước ở khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ sẽ được giảm thiểu nếu nước này gia tăng mua hàng của Nga.
Theo Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nước này sẽ chỉ có thể tự cung cấp 65% lượng thực phẩm tiêu thụ vào năm 2035, so với khoảng 76% hiện nay. Ước tính, quốc gia này sẽ phải nhập khẩu 83% lượng đậu nành cần thiết vào năm 2035.
Nguồn: thanhnien.vn