Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Đảng ta nhận định, thời gian qua, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ... Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý. Đáng lo ngại, lợi dụng tình hình đó, một số phần tử phản động, cơ hội chính trị đã lên tiếng công kích, xuyên tạc, phủ nhận công tác cán bộ cũng Đảng cũng như đội ngũ cán bộ ở nước ta thời gian qua. Điều này một mặt vừa làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Đảng song mặt khác cũng gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng cũng những đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trước tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong thời gian qua và để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, Đảng ta đã ban hành một loạt Quy định về “nêu gương”. Ngày 07/06/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định đã chỉ rõ: mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Kế thừa tinh thần đó, ngày 19/12/2016, Đảng ta đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, Đảng ta đã đưa ra 6 điểm quy định cụ thể cần làm ngay để hiện thực hóa tư tưởng nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Tại Hội nghị Trung ương tám khóa XII, Đảng ta đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Có thể nói, xuất phát từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng; Đảng ta rất chú trọng đến vấn đề “nêu gương”.
Ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”. Trong Điều 5 (Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời), Đảng ta cũng chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải “Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp uỷ gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng”. Quy định số 144-QĐ/TW chính là sự phát triển những quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.
Giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về trách nhiệm “nêu gương”. Mỗi đảng bộ, chi bộ cần đưa vấn đề “nêu gương” của cán bộ, đảng viên vào trong nghị quyết thường kỳ. Trong mỗi cuộc họp hay sinh hoạt, đảng bộ, chi bộ cần tăng cường quán triệt cho mỗi cán bộ, đảng viên để họ hiểu về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương của họ trong mọi tổ chức và hoạt động của tổ chức mình. Đặc biệt, cần có cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đưa việc thực hiện trách nhiệm nêu gương vào việc bình xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm cũng như việc xem xét quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt như lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; đặc biệt chú trọng đến việc nêu gương về đạo đức... Nêu gương về đạo đức đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện các chỉ tị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “Học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị của người cán bộ, đảng viên và của tổ chức đến với quần chúng nhân dân.
Ba là, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tự giác chấp hành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có bất cứ hành động hay phát ngôn trái với đường lối, quan điểm của Đảng, gây tổn hại đến uy tín và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; hoàn thành tốt nhất trọng trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị lợi ích vật chất cám dỗ, không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”. Đồng thời, có lối sống khiêm tốn, giản dị, gần dân, hiểu dân, hòa đồng và thấu hiểu con người; có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, ăn ở với nhau có tình có nghĩa như Bác Hồ căn dặn.
Thứ tư, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ không thể có kết quả tốt, không thể được thực hiện nghiêm túc nếu thiếu sự giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi đảng bộ, chi bộ cần xây dựng cơ chế để phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đối với việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong việc bình xét, đánh giá, quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ, đảng viên; cần có sự tham khảo ý kiến phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc giám sát, phản biện cần được tiến hành thường xuyên, khách quan, công khai với mục đích trong sáng giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trưởng thành, giúp cho mỗi cơ quan, tổ chức vững mạnh.
Như vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Hà Phạm