Vài nét về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc
Hơn 30 năm qua (1992-2023), hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, những con số và hiệu quả hợp tác đầy ấn tượng, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động cả về địa chính trị, kinh tế cũng như môi trường quốc tế ngày càng phức tạp. Các chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo cấp cao hai nước là minh chứng sống động cho sự phát triển quan hệ chính trị ngoại giao; những con số về hợp tác đầu tư, thương mại đưa quan hệ hai nước đi vào thực chất và hiệu quả. Hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân được tăng cường thể hiện sự thân thiện, nói lên một Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy đối với cộng đồng quốc tế, trong đó quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc chỉ là một trong những minh chứng cụ thể của hợp tác song phương.
Quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đang trong thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Về chính trị - đối ngoại, hai bên thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; đặc biệt những năm gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước không ngừng củng cố sự tin cậy về chính trị, cùng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Tháng 8/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Hàn Quốc, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI”. Tháng 10/2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm chính thức Việt Nam, hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 04 đến ngày 06/12/2022, nhân dịp kỷ niệm trọng thể 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992-22/12/2022); hai bên đã nhất trí ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, các diễn đàn đa phương (Liên hợp quốc, ASEAN, APEC...), hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương (trực tuyến và trực tiếp) được duy trì. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol (tháng 6/2022); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Han Duck Soo. Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc luôn khẳng định: Việt Nam có vị trí và vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hai bên tiếp tục triển khai hoạt động “Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng”, “Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp Thứ trưởng”; đồng thời ký các Bản ghi nhớ và thỏa thuận về hợp tác bảo mật thông tin, khắc phục hậu quả bom mìn, Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030. Hàn Quốc đã chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 03 tàu cho Tư lệnh cảnh sát biển, 01 tàu Quân chủng hải quân.
Trên lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là nước đầu tư vào Việt Nam đứng thứ nhất trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu - EU). Tổng dự án và vốn đầu tư vào Việt Nam là: 8.269 dự án với 66,6 tỷ USD; tính lũy kế đến tháng 9/2022, đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt mức 80,52 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66,65 tỷ USD (2019), 65 tỷ USD (2020) và 78 tỷ USD (2021)[1]. Hai bên đã triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP); nhằm tăng trưởng ổn định và cân bằng, mục tiêu năm 2023 đạt 100 tỷ USD và 150 tỷ USD vào năm 2030. Tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc.
Hợp tác về văn hóa - giáo dục, hai nước đã ký các văn bản hợp tác như Hiệp định văn hóa (tháng 8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa - nghệ thuật, thể thao và du lịch (tháng 10/2008). Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (2006); ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học (2016); chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải Hannara cho trường Đại học Hàng hải Việt Nam (2020). Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm từ tháng 2/2021. Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ được ký kết năm 1995; triển khai Thỏa thuận hợp tác ký giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam - Hàn Quốc (2010); khánh thành Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ (14/11/2015); Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật (tháng 3/2007).
Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 22-24/6/2023. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bầu không khí thân tình, cởi mở, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol cùng lãnh đạo cấp cao của hai bên tiến hành hội đàm. Ảnh: VOV.
Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc khác nhau về thể chế chính trị, nhưng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, truyền thống gắn bó lâu đời của nhân dân hai nước, vượt qua mọi biến cố thăng trầm của thời đại; hai nước đã xích lại gần nhau, cùng nhau hướng tới sự thịnh vượng và hòa bình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để cộng đồng quốc tế ghi nhận vị thế và uy tín của Việt Nam và Hàn Quốc trên trường quốc tế.
Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là dịp để bạn bè quốc tế nhìn nhận một Việt Nam có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì độc lập, hòa bình và phát triển. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc cũng là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, đối tác của nhau luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng sự khác biệt về thể chế và ý thức hệ.
Trong bối cảnh quốc tế mới, Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục kiên định, đứng vững và không ngừng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực:
Về chính trị - đối ngoại, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng an ninh; phòng, chống khủng bố, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Về kinh tế, hai bên cùng nỗ lực đưa hợp tác kinh tế lên cấp độ mới, sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD, phấn đấu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững. Hàn Quốc mở rộng quy mô đầu tư ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia, sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh; chú trọng chuyển giao công nghệ nguồn cho Việt Nam; tiếp tục mở rộng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, ký kết Thỏa thuận hợp tác Quỹ xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD.
Trên một số lĩnh vực khác, hai bên nhất trí hợp tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26; đồng thời hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ lõi, công nghệ hiện đại. Hai bên tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hơn hợp tác giữa các địa phương, kết nối các tuyến bay mới giữa các địa phương hai nước.
Trên cơ sở những nội dung trao đổi, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, xây dựng nền tảng hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi, đối phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, sản xuất khí hydro, tăng cường giao lưu giữa các thế hệ tương lai - thế hệ sẽ dẫn dắt mối quan hệ hai nước. Chính phủ Hàn Quốc sẽ gia hạn Hiệp định tín dụng khung và mở rộng định mức hỗ trợ vốn đối với hợp tác và phát triển kinh tế từ 1,5 tỷ USD lên 2 tỷ USD trong một vài năm tới. Đồng thời, hai bên lần đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác về nguồn vốn xúc tiến hợp tác kinh tế quy mô 2 tỷ USD. Từ đó sẽ hỗ trợ nguồn vốn viện trợ hoàn lại lên quy mô 4 tỷ USD vào năm 2030.
Với mong muốn cùng đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi sát tình hình Bán đảo Triều Tiên; sẵn sàng thúc đẩy và tham gia tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; Việt Nam ủng hộ chính sách đối ngoại của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Có thể nói, chuyến thămTổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam từ 22-24/6/2023 đã thành công tốt đẹp, mở ra một chương mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực, nhằm khôi phục kinh tế và phát triển đất nước sau tác động của đại dịch Covid-19. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, xác lập độ tin cậy về chính trị trên cả phương diện song phương và đa phương.
TS Nguyễn Văn Dương