Campuchia quyết xây kênh đào Phù Nam Techo
Phát biểu hôm 11/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết Campuchia đã tuân thủ Hiệp định Mekong năm 1995 và đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong về dự án xây dựng kênh đào Phù Nam Techo.
Ông cũng cho rằng: "Kênh đào Phù Nam Techo là một dự án mang tính lịch sử, sẽ mang lại lợi ích cho người dân Campuchia".
Hãng thông tấn AKP dẫn lời ông Hun Manet cho hay: "Việc xây dựng sẽ được tiến hành với sự hợp tác của các đối tác Trung Quốc theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao)".
Cũng theo AKP, dự án kênh đào sẽ được thực hiện theo cơ chế đối tác công tư (Public-Private Partnerships - PPP), mà không theo khuôn khổ của bất kỳ khoản nợ từ các đối tác phát triển nào.
Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 19/5/2023 phê chuẩn dự án Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac hay còn lại là Kênh đào Phù Nam Techo sau quá trình nghiên cứu tính khả thi kéo dài 26 tháng với sự tham gia của các chuyên gia môi trường, kỹ thuật và xã hội.
Đây là dự án mang tính lịch sử đầu tiên trong lĩnh vực vận tải đường thủy của Campuchia nhằm kết nối hệ thống sông Mekong và tuyến đường biển.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến được khởi công vào cuối năm nay sau khi Tập đoàn quốc doanh Cầu đường Trung Quốc đạt được thỏa thuận triển khai dự án tại một hội nghị Sáng kiến Vành đai và Con đường diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo kế hoạch, con kênh sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m. Kênh kéo dài khoảng 180km (chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km) từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia. Kênh đào sẽ chạy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên đường thủy.
Dự án dự kiến được hoàn thành sau 4 năm với kinh phí khoảng 1,7 tỷ USD.
Giới chức Campuchia khẳng định kênh đào Phù Nam Techo chỉ nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động kinh tế của nước này.
"Cơ sở hạ tầng quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nông nghiệp bằng cách cung cấp nước cho trồng trọt, quản lý nước tốt trong mùa mưa và tăng sản lượng cá nước ngọt cùng nhiều lợi ích khác", cựu Thủ tướng và hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen viết trên Twitter.
Báo Khmer Times chỉ ra, kênh đào này sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm thời gian, khoảng cách và chi phí vận chuyển hiện tại; tạo thêm việc làm tại Cảng tự trị Sihanoukville, Cảng tự trị Phnom Penh và các cảng khác.
Ngoài ra, các nhà phân tích của Campuchia nói rằng, kênh đào sẽ giúp hình thành các khu thương mại, trung tâm logistics; phát triển nhiều vùng vệ tinh mới; mở rộng các vùng phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi; hỗ trợ phát triển cực kinh tế thứ 4 của Campuchia; thúc đẩy phát triển đô thị và đô thị hóa, thúc đẩy tăng trưởng bất động sản.
Các bên lên tiếng
Ủy hội sông Mekong (MRC), tổ chức liên chính phủ phụ trách quản lý nguồn tài nguyên nước giữa Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, cũng đã đề nghị và đang chờ phía Campuchia chia sẻ thêm thông tin về dự án.
Có rất ít thông tin công khai về cách Campuchia lên kế hoạch giảm thiểu tác động khác như gián đoạn vùng ngập lũ tự nhiên của Đồng bằng sông Mekong và di dời các hộ dân sống dọc tuyến kênh.
Hiện tại, tài liệu sẵn có duy nhất về dự án là tài liệu mà Ủy ban Mekong Quốc gia Campuchia thông báo cho MRC về dự án. Tài liệu này khẳng định, dự án sẽ "không có tác động đáng kể đến lưu lượng dòng chảy hàng ngày và dòng chảy hàng năm của hệ thống sông Mekong, các tác động xã hội và môi trường cũng ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, ông Brian Eyler, giám đốc Trung tâm Stimson, cho biết: "Tài liệu không bao gồm thảo luận nào về tác động môi trường thực tế đối với sông Mekong. Tài liệu cũng thiếu phân tích chi phí và lợi ích cũng như việc người dân Campuchia được hưởng lợi ích kinh tế như thế nào".
Theo ông, với những tác động lớn tiềm tàng đến môi trường, dự án cần được nghiên cứu kỹ thuật đầy đủ trước khi triển khai.
Một số nông dân và ngư dân nằm trong khu vực dự án chia sẻ, sinh kế của họ phụ thuộc vào nguồn nước và họ lo ngại sinh kế đó bị ảnh hưởng khi xây dựng kênh đào.
Giới chức Campuchia khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo hoàn toàn nhằm mục đích kinh tế.
Nhiều nhà phân tích không loại trừ khả năng kênh đào Phù Nam Techo cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Điều này làm dấy lên lo ngại cho Mỹ và các nước láng giềng của Campuchia về sự mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Các chuyên gia quân sự nói rằng, kênh đào Phù Nam Techo sẽ "sẽ tạo ra độ sâu cần thiết, đủ để tàu quân sự di chuyển từ Vịnh Thái Lan, hoặc từ quân cảng Ream của Campuchia tiến sâu vào nội địa".
Tuy nhiên, báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Manet cho biết, tàu chiến không thể đi qua kênh đào Phù Nam Techo bởi vì trọng tải lớn hơn trọng tải cho phép đối với con kênh này. Ông nhấn mạnh, kênh chỉ được sử dụng cho tàu hàng. Cụ thể, kênh cho phép tàu trọng tải 3.000 tấn vào mùa khô và 5.000 tấn vào mùa mưa.
Trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi liên quan đến dự án, phía Mỹ đã đề nghị Campuchia minh bạch thông tin.
"Người dân Campuchia cùng với người dân ở các nước láng giềng và khu vực rộng lớn hơn sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch trong bất kỳ hoạt động nào có tác động tiềm tàng đối với việc quản lý nước, tính bền vững của nông nghiệp và an ninh trong khu vực", Wesley Holzer, quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, cho biết.
Nhà ngoại giao này nói thêm: "Chúng tôi hối thúc giới chức trách Campuchia phối hợp chặt chẽ với MRC để cung cấp thêm chi tiết về dự án, đồng thời tham gia đầy đủ vào các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường để Ủy hội và các nước thành viên hiểu và chuẩn bị cho bất cứ tác động tiềm tàng nào của dự án".
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam liên quan tới dự án kênh đào Phù Nam Techo. Ông Đoàn Khắc Việt phát biểu, Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các nước ven sông Mekong. Ông Việt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển của các cộng đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông. "Phía Việt Nam cũng rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo", ông Việt nói. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực. |
Nguồn: dantri.com.vn