Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng, toàn diện để ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là cơ sở quan trọng, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn.
Trong quá trình Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, đưa ra nhiều luận điệu nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước XHCN Việt Nam mà trọng tâm là cố tình phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; chia rẽ khối đại đoàn kết, mối quan hệ, thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Một luận điệu khác là đồng hóa cho rằng Nhà nước pháp quyền là của chế độ tư bản, xây dựng Nhà nước pháp quyền là đ theo con đường tư bản chủ nghĩa. Những luận điệu trên là hết sức nguy hiểm, làm méo mó bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, làm giảm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, xây dựng luận cứ đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần căn cứ vào quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước; chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; từ thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam.
Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định Nhà nước vô sản - nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, là chính quyền của nhân dân, là quyền lực của nhân dân. Đây là điểm khác biệt cơ bản của nhà nước vô sản so với nhà nước của các giai cấp bóc lột đã có trong lịch sử trong đó có nhà nước tư sản. Với những đặc trưng phổ biến như: cội nguồn quyền lực nhà nước là ở nhân dân; là nhà nước bảo đảm tính tối cao của hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội; nhà nước thực hiện và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân; nhà nước bảo đảm tính trách nhiệm của mình trước công dân và xã hội.., Nhà nước pháp quyền là một hình thức nhà nước có khả năng thực hiện dân chủ tốt nhất, chứa đựng những giá trị quý báu của nền dân chủ tiến bộ và được xem như là một yếu tố của nền văn minh nhân loại.
Về thực tiễn, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam là một tất yếu khách quan, bắt nguồn từ đặc điểm, xu thế chung của thời đại và từ thực tế và đòi hỏi của cách mạng Việt Nam. Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với phương châm vận dụng sáng tạo những nguyên lý, chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác- Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, đồng thời học hỏi, chọn lọc tinh hoa, kinh nghiệm của thế giới
Chúng ta lựa chọn hình thức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trước hết không làm thay đổi bản chất của quyền lực Nhà nước, phù hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa trong và ngoài nước, tùy thuộc vào tương quan so sánh lực lượng của các giai cấp trong xã hội, vào truyền thống và đặc điểm của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, không hề làm thay đổi bản chất dân chủ của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Nói các khác, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Đây là khác biệt căn bản, khác biệt mang tính bản chất giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền tư sản.
Trong thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng về nhà nước pháp quyền ngày càng đầy đủ hơn, khách quan hơn, rõ ràng hơn và cụ thể hơn, nhất quán và đồng bộ hơn; quyết tâm chính trị xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới hình thức nhà nước pháp quyền ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Khóa XIII một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán, kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng một Nhà nước dân chủ dưới hình thức pháp quyền.
Quyết tâm chính trị ấy còn được thể hiện rõ trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để loại trừ lợi ích nhóm, những mầm mống của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thân hữu, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, bảo vệ lợi ích chung của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong các ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là vùng cấm, nhạy cảm cả khu vực công và khu vực tư đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi. Qua đó, góp phần bảo đảm bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã chứng minh rằng Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, do nhân dân lập nên và vì nhân dân mà cống hiến, phục vụ chứ không có việc “hướng lái”, “xoay trục” như các thế lực thù địch xuyên tạc.
Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ để bộ máy Nhà nước vận hành thông suốt, hiệu quả, được sự tín nhiệm và hài lòng của người dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ rõ: “Nhà nước quản lý xã hội không chỉ bằng uy quyền pháp luật, mà còn bằng tấm gương đạo đức của cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước, làm cho dân phục, dân tin mà nghe theo, làm theo”; “Xây dựng cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Những cơ sở lý luận và thực tiễn trên đây có thể thấy, sự nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng một nhà nước dân chủ kiểu mới ở Việt Nam hiện nay. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang đặc trưng Việt Nam, là công cụ quyền lực quan trọng bậc nhất để dân tộc Việt Nam bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc./.
C.T.N