Theo các nhà ngoại giao tham gia vào cuộc thảo luận, các quan chức cấp cao từ 30 quốc gia sẽ tới Jeddah, Ả Rập Xê Út vào ngày 5 và 6/8 tới để tham dự hội nghị này.
Hội nghị hòa bình diễn ra giữa lúc Mỹ và các đồng minh châu Âu đang tăng cường củng cố sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho các nỗ lực hòa bình của Ukraine.
Vì vậy, phương Tây đang hy vọng các cuộc đàm phán diễn ra ở Ả Rập Xê Út lần này có thể thúc đẩy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các điều khoản hòa bình có lợi cho Ukraine.
Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine ngày càng tăng nhiệt với những diễn biến dồn dập từ cả hai bên.
Phương Tây và Ukraine muốn tận dụng cuộc họp này để giành được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển lớn, nhiều nước vốn vẫn có quan điểm trung lập trong cuộc chiến Ukraine.
Ukraine và các quan chức phương Tây hy vọng những nỗ lực này có thể lên đạt đỉnh điểm trong một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối năm nay, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ ký kết các nguyên tắc chung để giải quyết chiến tranh.
Họ hy vọng rằng, những nguyên tắc đó có thể định hình các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Nga và Ukraine để có lợi cho Kiev.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng sẽ không có sự tham gia của Nga.
Cuộc họp lần này cũng diễn ra sau cuộc họp của các quan chức cấp cao ở Copenhagen, Đan Mạch vào cuối tháng 6, với sự tham dự của Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã cho biết sẽ tham dự cuộc họp. Ukraine và một số nước lớn ở châu Âu cũng tham gia. Đối với cuộc họp ở Jeddah, chính phủ Ả Rập Xê Út và Ukraine đã mời 30 quốc gia, bao gồm Indonesia, Ai Cập, Mexico, Chile và Zambia.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu quan chức tham dự, mặc dù các quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán ở Copenhagen dự kiến sẽ Jeddah. Các nước Anh, Nam Phi, Ba Lan và EU cũng đã xác nhận tham dự.
Ả Rập Xê Út đang nỗ lực đóng một vai trò lớn hơn trên sân khấu ngoại giao trong vấn đề Ukraine sau khi Nhà Trắng cáo buộc nước này đứng về phía Nga trong việc áp giữ giá dầu ở mức cao, nhờ đó củng cố tài chính cho Moscow.
Riyadh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân chiến tranh và đón tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập vào tháng 5.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, Ả Rập Xê Út được chọn đăng cai vòng đàm phán thứ hai một phần với hy vọng thuyết phục Trung Quốc, vốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, tham gia.
Riyadh và Bắc Kinh duy trì quan hệ chặt chẽ. Đầu năm nay, Trung Quốc đã giúp đàm phán về sự tan băng gần đây giữa Ả Rập Xê Út và đối thủ số 1 trong khu vực là Iran, vài tháng sau khi Riyadh tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mặc dù tuyên bố đang thực hiện một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, Trung Quốc đã không tham dự cuộc họp ở Copenhagen. Nhiều nguồn tin cũng cho biết, Bắc Kinh cũng sẽ không tham dự cuộc họp ở Ả Rập Xê Út lần này.
Nguồn: dantri.com.vn