Với dòng viện trợ hàng tỷ USD từ phương Tây, "tất cả đều hy vọng sẽ chứng kiến thành công vượt trội", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần trước nói, đề cập tới chiến dịch phản công của Ukraine.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng kịch bản lý tưởng nhất của cuộc phản công là lực lượng Ukraine sử dụng những xe tăng mới được phương Tây cung cấp để cắt đứt hàng lang trên bộ của Nga, hoặc kiểm soát các cửa ngõ trên bộ và trên biển đến bán đảo Crimea. Những bước tiến như vậy sẽ giúp Ukraine phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường và dập tắt mọi lời kêu gọi xem lại chính sách với Kiev.
Trước khi Ukraine phát động chiến dịch phản công, sức ép với chính quyền Tổng thống Joe Biden về chính sách viện trợ cho Ukraine là rất lớn. Mỹ đến nay là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hơn 40 tỷ USD đã chuyển cho Kiev dưới dạng các gói hỗ trợ quốc phòng.
Khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống 2024, ông Biden cần một chiến thắng lớn trên chiến trường Ukraine để chứng minh sự ủng hộ dành cho Kiev giúp củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tiếp thêm sinh lực cho chính sách đối ngoại mạnh mẽ với sự ủng hộ của lưỡng đảng, cũng như thể hiện khả năng sử dụng một cách khôn ngoan sức mạnh quân sự Mỹ ở nước ngoài.
Các đồng minh trong NATO và nhiều đối tác khác đã tin tưởng rất nhiều vào ông Biden và sự lãnh đạo của Mỹ. "Không ai có thể nghi ngờ sự lãnh đạo và nguồn lực của Mỹ đóng góp vai trò quyết định" trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói trong chuyến thăm Washington ngày 8/6.
Tổng thống Biden, Thủ tướng Sunak và lãnh đạo của hơn 50 quốc gia cho rằng ủng hộ Ukraine là điều cần phải làm để đảm bảo tương lai của phương Tây. "Tôi đã yêu cầu mọi người hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không hỗ trợ Ukraine", ông Biden nói với ông Sunak tuần trước.
Nhưng tại Washington, dấu hiệu căng thẳng đã tăng lên, khi nhiều người chỉ trích việc Mỹ gửi hàng chục tỷ USD cho Ukraine là quá nhiều trong thời điểm kinh tế trong nước bất ổn.
Một luồng chỉ trích khác nhắm vào ông Biden khi cho rằng việc Mỹ chậm trễ trong chuyển giao vũ khí và từ chối cung cấp những khí tài hạng nặng như tên lửa tầm xa, tiêm kích cho Ukraine đã khiến Kiev không có những công cụ cần thiết để nhanh chóng chiến thắng trong cuộc phản công.
Cả hai phe đều sẽ có cơ sở để tăng chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden nếu Kiev không giành được kết quả khả quan trong những tuần tới.
Kho vũ khí của các đồng minh phương Tây cũng dần cạn kiệt sau những nỗ lực hỗ trợ Ukraine, một vấn đề được coi là đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh an ninh thế giới có nhiều biến động và nếu cuộc phản công của Kiev không giành được thắng lợi quyết định.
Chuyên gia và quan chức Lầu Năm Góc cho biết nỗ lực hỗ trợ Ukraine cũng đã phơi bày sự trì trệ trong sản xuất quốc phòng, cũng như tình trạng thiếu nguồn cung và lực lượng lao động hậu đại dịch ở Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Bất chấp việc cải tổ chính sách mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc năm 2020 nhằm "cung cấp các giải pháp kịp thời và hiệu quả hơn" cho quân đội, báo cáo được trình bày trước quốc hội Mỹ tuần trước cho thấy Bộ Quốc phòng tiếp tục đối mặt với những thách thức về phát triển các vũ khí mới để có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu quân sự.
Nếu Ukraine chỉ đạt thành công hạn chế trong chiến dịch phản công, áp lực trong dư luận Mỹ và các nước phương Tây sẽ tăng lên đáng kể. Điều này có thể tạo ra sức ép ngược, khi phương Tây muốn Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga và chấp nhận những thỏa thuận nhượng bộ lãnh thổ nhiều bất lợi.
Sau hơn một tuần phản công, Ukraine đã giành lại một số làng ở gần tiền tuyến, nhưng chưa thể đột phá qua tuyến phòng thủ được xây dựng kiên cố của Nga. Một số trận đánh dữ dội đã diễn ra ở phía đông và đông nam Ukraine, nhưng giới quan sát chưa rõ đây chỉ là đòn thăm dò hay mũi tiến công chính của Ukraine.
Phòng tuyến của quân Nga "có lẽ không thể mạnh ở mọi nơi. Vì vậy, nhiệm vụ của người Ukraine là tìm ra điểm yếu nhất mà họ có thể khoét sâu. Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra", Bộ trưởng Quốc phòng Austin nói.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Ukraine lần này không giành lại được lãnh thổ đáng kể và gây thiệt hại nặng nề cho phía Nga, cuộc chiến sẽ một lần nữa rơi vào bế tắc và có nguy cơ kéo dài, khiến các nước phương Tây mệt mỏi và suy giảm hỗ trợ. Ngược lại, nếu Ukraine có thể đẩy lùi và bẻ gãy phòng tuyến của Nga, họ có thể thuyết phục các đồng minh, đối tác rằng những hỗ trợ của họ dành cho Kiev đã được đền đáp xứng đáng.
Các quan chức Mỹ và phương Tây sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để thuyết phục công chúng và các chính trị gia trong nước tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở cấp độ hiện tại hoặc lớn hơn, nếu Ukraine có thể đi xa với chiến dịch phản công hiện tại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hy vọng động thái này có thể thúc đẩy đàm phán hòa bình. "Ukraine càng giải phóng được nhiều lãnh thổ thì họ càng có nhiều quyền lực hơn trên bàn đàm phán", ông nói trong cuộc gặp Tổng thống Biden ở Nhà Trắng ngày 13/6.
Tuy nhiên, phương Tây đến nay vẫn công khai nói rằng mọi quyết định đều thuộc về Ukraine.
"Chiến dịch phản công không đồng nghĩa Ukraine sẽ đẩy lùi được quân Nga khỏi lãnh thổ. Nhưng tôi nghĩ nó là cơ hội để bắt đầu thay đổi động lực trên chiến trường và đó thực sự là những gì họ đang tìm kiếm", ông Austin nói.
Nguồn: vnexpress.net